Ngày 27/8, TP Hồ Chí Minh bước sang ngày thứ 5 thực hiện siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Sức ép từ việc phải phân phối hàng thiết yếu đến tay gần 9 triệu người dân đang đè nặng lên lực lượng hỗ trợ bởi hầu hết các điểm bán hàng lưu động, thương mại điện tử hay shipper giao thực phẩm đều đã tạm ngừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Tuy vậy, sau 5 ngày triển khai, công tác đi chợ hộ đã diễn ra suôn sẻ hơn.
Công việc đi chợ hộ khá vất vả từ khâu soạn đơn, chọn sản phẩm, đến khâu giao hàng do nhu cầu mua hàng rất lớn. Thế nhưng các cán bộ, chiến sĩ khi tham gia thực hiện công việc lại gặp nhiều tình huống "dở khóc dở cười".
Sau khi mua hàng tại siêu thị, các chiến sĩ mang hàng hóa đến giao từng nhà dân
Chia sẻ trong buổi Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 26/8, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), đề nghị người dân "không thử nữa" mà chỉ liên hệ khi thật sự cần. Ông Lê Quang Tự Do đã phải đề nghị như vậy bởi xuất hiện tình trạng người dân đặt thử xem có thật hay không chứ không có nhu cầu mua hàng.
Khi nhận đi chợ hộ, các cán bộ phụ trách sẽ ứng trước, sau đó sẽ nhận lại từ người dân. Các đơn hàng thường có giá trị cao, khoảng từ vài trăm đến hàng triệu đồng, nếu như bị "bùng" thì vị cán bộ ấy có thể bị "mất tiền oan".
Các cán bộ tham gia chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu, rất vất vả. Do đó, ông mong muốn công sức đó cần dành để giúp đỡ những người thực sự khó khăn.
Một tình nguyện viên đang gọi điện trao đổi với người dân khi sản phẩm theo yêu cầu đã hết hàng (Ảnh: VnExpress)
Áp lực lên khâu phân phối hàng với lực lượng hỗ trợ đang ngày càng lớn đòi hỏi những cách tổ chức cung ứng hàng chủ động, linh hoạt, áp dụng yếu tố công nghệ để việc cung ứng hàng thiết yếu đến người dân không bị đứt gãy, trong thời điểm đặc biệt khó khăn này.
Theo Sở Công Thương, mỗi ngày có hơn 70.000 đơn hàng đi chợ hộ được thực hiện và sẽ còn tăng trong những ngày tới do lực lượng đi chợ hộ đã dần quen công việc.