Cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề “Bảo vệ tầng ô-dôn để bảo vệ khí hậu Trái đất” đã khép lại với 56 giải thưởng được trao. Các tác giả đến từ khắp vùng miền trên cả nước, nghề nghiệp khác nhau, lớn nhất 68 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi đã mang tới góc nhìn đa dạng, mới lạ về hành trình chung tay bảo vệ tầng ô-dôn – tấm lá chắn của Trái đất.
Cuộc thi cũng hướng tới việc nêu bật mối liên hệ giữa việc bảo vệ tầng ozone và biến đổi khí hậu, những hoạt động, thành tựu đạt được của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và các Bản sửa đổi, bổ sung trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal nhiều năm qua.
Ngoài ra, cuộc thi nhằm huy động sự ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) và loại trừ dần các chất HFC (hydrofluorocarbon); tăng cường hợp tác với UNEP và cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone.
Tại lễ trao giải Cuộc thi diễn ra vào sáng ngày 29/7, tại Hà Nội, một số tác giả đạt giải đã chia sẻ cảm xúc của mình và những câu chuyện đằng sau tác phẩm mang tới Cuộc thi.
Tác giả Đặng Thị Ánh Hồng (sinh năm 2009, tỉnh Đồng Tháp) với tác phẩm: Cạn kiệt thức ăn và nước uống.
Giải Nhất thể loại tranh vẽ – độ tuổi dưới 15.
Ánh Hồng chia sẻ: “Đến với cuộc thi, em mong muốn thông qua tác phẩm của mình để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, công tác ứng phó bảo vệ tầng ozon. Đây là tấm lá chắn bảo vệ con người và sự sống trên mặt đất khỏi tác hại của tia cực tím. Sau khi các nhà khoa học phát hiện tầng ozon đã bị mỏng đi và đã hình thành lỗ thủng càng ngày càng rộng. Thông điệp “Bảo vệ tầng ô-dôn vì sự sống” nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tầng ô-dôn đối với sự sống trên Trái đất và chúng ta hãy cùng nhau hành động phải tiếp tục bảo vệ tầng ô-dôn – để bảo vệ khí hậu Trái đất”.
Ánh Hồng hiện là học sinh của Trường THCS Phước Tiên, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Theo cô giáo Châu Ngọc Thu Trúc, giáo viên của trường, nhà trường luôn quan tâm lồng ghép truyên truyền, nâng cao ý thức cho học sinh bằng cách khuyến khích các em phát hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường, hướng dẫn vệ sinh trường lớp hằng ngày, hằng tuần. Mỗi học sinh có thể trở thành một tuyên truyền viên nhỏ trong gia đình về những hành động như không vứt ra, đốt rác bừa bãi, đăng ký thu gom rác với chính quyền địa phương…
Tác giả Nguyễn Ngọc Xuân Thảo (sinh năm 1994, tỉnh Bến Tre) với tác phẩm: “Trẻ em chung tay giữ hành tinh luôn mát lành!”.
Giải nhất thể loại tranh vẽ – độ tuổi trên 15.
Xuân Thảo – cô giáo tổng phụ trách Đội của một trường THCS tại Bến Tre mong muốn đồng hành cũng học sinh của mình trong việc lan tỏa thông điệp của cuộc thi đến tất cả mọi người. Tác phẩm thể hiện sự vui sướng của trẻ em thế giới khi được sống trong bầu không khí, thiên nhiên trong lành. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Nghị định thư Montreal về loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Các em nhỏ có thể “phủ xanh” Trái đất bằng những hành động rất nhỏ bé, đơn giản như trồng cây gây rừng, phân loại rác tại nguồn… Ý tưởng bức tranh đến từ chính những hình ảnh thân thuộc về các em học sinh tại trường. Các em cùng tham gia thu gom rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn thành rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế được; cùng nhau làm gạch sinh thái và tái chế thành vật dụng trong khuôn viên trường học, gia đình; tạo không gian lớp học xanh, trường học xanh…
Phân loại rác tại nguồn đã trở thành nếp suy nghĩ của các em, đồng thời cũng là hoạt động thường xuyên của nhà trường để tham gia vào Đề án Bến Tre xanh của tỉnh đã triển khai từ năm 2016. Thông qua cuộc thi, Xuân Thảo cũng muốn chia sẻ những tác động của biến đổi khí hậu đến địa phương, đặc biệt là tình trạng nhiệt độ tăng lên, thiên tai và xâm nhập mặn không theo quy luật gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thí sinh lớn tuổi nhất: Tác giả Bạch Ngọc Anh (68 tuổi, tỉnh Lâm Đồng) với tác phẩm: Hiệu ứng nhà kính.
Giải Nhì thể loại ảnh chụp – độ tuổi trên 15.
Bức ảnh chụp làng hoa Thái Phiên của Đà Lạt với góc máy từ trên đỉnh núi Hoành Bồ, cao 1.607m so với mực nước biển. Thời điểm chụp, nhiếp ảnh gia bị ấn tượng bởi vẻ đẹp từ đường nét ánh sáng vàng của buổi bình minh, tạo nên một khung cảnh đạm chất nghệ thuật. Nhưng nghĩ lại, bức ảnh mang tính chất cảnh báo nhiều hơn.
Tác giả Bạch Ngọc Anh chia sẻ, bản thân đã sinh sống hơn 50 năm ở Đà Lạt nên cảm nhận rõ nét sự thay đổi khí hậu tại đây. Nhiệt độ Đà Lạt đang tăng lên, những ngày nóng bức nhiều hơn – điều vốn hiếm xảy ra trước kia. Đây là hậu quả từ sự suy giảm môi trường nghiêm trọng, cùng với tình trạng hiệu ứng nhà kính.
Nếu tình trạng phát triển không có kế hoạch tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Thông qua tác phẩm, tác giả Bạch Ngọc Anh mong muốn các nhà quản lý quan tâm hơn, làm sao để phát triển nông nghiệp hiện đại đừng phải trả giá nguy cơ về môi trường về sau. Vì như vậy, Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nữa.
Thí sinh nhỏ tuổi nhất: Tác giả Vũ Bảo Ngọc (7 tuổi, TP. Hải Phòng) với tác phẩm: Tranh vẽ bảo vệ tầng Ozon.
Giải Khuyến khích thể loại tranh vẽ – độ tuổi dưới 15.
Bức tranh thể hiện suy nghĩ giản đơn của em về những việc làm để bảo vệ môi trường, bảo vệ tầng ô-dôn. Đó là chăm sóc xanh, dùng giỏ tre đi chợ thay vì mang túi ni-lông, bỏ rác đúng nơi quy định.
Theo cô Bùi Thị Hoa, cô giáo Trường Tiểu học Trưng Vương nơi Bảo Ngọc đang theo học, nhà trường thường xuyên giúp các bé nhận thức về những hành vi gây ô nhiễm môi trường bằng tranh vẽ, hình ảnh, các video. Việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhà trường.
Tác giả Ngô Huỳnh Bảo Ngọc (sinh năm 2009, tỉnh Vĩnh Long) với tác phẩm: Bảo vệ Mẹ Ozone.
Giải Nhì thể loại tranh công nghệ – độ tuổi dưới 15.
Bảo Ngọc biết đến cuộc thi qua sự phát động của nhà trường. Vì đã có nền tảng học đồ họa máy tính nên bé đã thể hiện các ý tưởng trong tác phẩm rất sắc nét, mang tính thẩm mỹ cao.
Bảo Ngọc cho biết, ý tưởng của bức tranh là việc gây hai cho môi trường, làm thủng tầng ô-dôn giống như bom nổ chậm, khiến Trái đất bị tổn thương từ từ. Để bảo vệ Mẹ Ozone, chiếc kéo cần phải cắt đúng sợi dây ngòi nổ – chính là những tác nhân gây hại. Thông qua cuộc thi, Bảo Ngọc đã tiếp thu nhiều kiến thức mới và mở mang hơn rất nhiều về tác hại nếu tầng ô-dôn bị phá hủy.
Tác giả Vàng Thị Vui (sinh năm 2011, tỉnh Đắk Nông) với tác phẩm: Lời em muốn nói.
Giải Ba thể loại tranh vẽ – độ tuổi dưới 15.
Thông qua bức tranh, cô bé dân tộc Mông thể hiện mong muốn được sống trong bầu không khí trong lành. Nơi em ở có nhiều nhà máy, ngày đêm xả khói thải đen ra môi trường. Em và bạn bè, người thân của em rất khó chịu khi hít phải khói ấy, cây trồng cũng không lớn được. Em ước ao những nhà máy ấy sẽ không còn ở gần nơi em sống nữa.
Tác giả Nguyễn Mai Linh (sinh năm 2008, TP Hải Phòng) với tác phẩm: Cầu vồng ozone
Giải Nhì thể loại tranh vẽ – độ tuổi dưới 15.
Mai Linh đã cùng các bạn trong lớp lập nhóm tìm hiểu, chia sẻ thông tin về tầng lỗ thủng tầng ô-dôn. Từ rất nhiều kiến thức, cô bé tìm cách thể hiện chúng một cách đơn giản và dễ hiểu với một bức tranh thể hiện sự đối lập. Đó là 2 sắc thái của Trái đất khi có và không có tầng ô-dôn bảo vệ. Mai Linh mong muốn môi trường sẽ luôn xanh, sạch, đẹp, tốt cho sức khỏe của con người.
Mai Linh cho biết, việc lập nhóm cùng tham gia cuộc thi giúp các em có thêm nhiều ý tưởng để đưa vào bức tranh. Dù nhiều bạn không đạt giải, nhưng chính việc tìm hiểu kiến thức cũng sẽ khiến các bạn có ý thức phải bảo vệ tầng ô-dôn, giữ gìn môi trường sống luôn sạch đẹp, không khói bụi, rác thải và ô nhiễm. được bảo vệ, ô nhiễm thiên tai.
TH