Nhằm triển khai thực hiện tốt các nội dung của Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2022-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đề án; xây dựng kế hoạch triển khai khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch cụ thể.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Xây dựng cơ chế phòng ngừa, chủ động ứng phó sự cố môi trường trong hoạt động thủy sản; điều tra đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản. (Ảnh minh họa)
Hàng năm, tiến hành sơ, tổng kết kết quả thực hiện đề án và kịp thời đề xuất, kiến nghị trình UBND tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đề án. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất thủy sản; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản.
Cần xây dựng cơ chế phòng ngừa, chủ động ứng phó sự cố môi trường trong hoạt động thủy sản; điều tra đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản và đề xuất giải pháp quản lý; điều tra, đánh giá, kiểm kê nguồn lợi tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ứng dụng công nghệ viễn thám GIS, 4.0 vào hệ thống quan trắc, cảnh báo; thực hiện quan trắc môi trường tự động phục vụ quản lý ngành thủy sản. Điều tra, đánh giá thực trạng công nghệ, áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản và đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất thủy sản.
Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch quản lý môi trường, kiểm soát chất thải từ các hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre; xây dựng các mô hình kiểm soát chất thải từ các hoạt động thủy sản; mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản tại địa phương.
Chủ động tham mưu lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; lồng ghép vào các chương trình, dự án, đề án có liên quan do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.
Cùng với đó, nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng, đầu tư, duy trì phát triển nguồn lợi tự nhiên thủy sản; huy động, xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường thủy sản; tham mưu rà soát, bổ sung các chính sách mang tính đặc thù của môi trường thủy sản để thúc đẩy các mô hình xanh, sạch, kinh tế tuần hoàn trong hoạt động thủy sản. Xây dựng, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu môi trường ngành thủy sản.
Với khoảng 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản, những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở các địa phương đã có những tác động tiêu cực đến môi trường và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của tỉnh.
Diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh Bến Tre, tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Các hệ thống sản xuất tôm nước lợ của tỉnh nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung thời gian qua có sự phát triển mạnh theo hướng đa dạng về hình thức canh tác, kéo theo sự tăng trưởng nhanh về năng suất cũng như giá trị. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức gia tăng.
Trong đó, việc gia tăng ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh do phát triển nhanh, thiếu quy hoạch. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, kết hợp với biến động giảm nguồn nước ngọt đầu nguồn sông Mekong dẫn đến tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa.
Chi cục Thủy sản đã tập trung công tác quản lý nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị có liên quan về công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, tăng cường công tác quản lý tốt môi trường vùng nuôi, tuyên truyền không xả thải mầm bệnh ra môi trường tự nhiên chưa qua xử lý; ban hành khung lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh năm 2022.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống; cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm khi có yêu cầu theo quy định; kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cá tra trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thu mẫu quan trắc môi trường tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm, thông báo kịp thời cho người dân chủ động sản xuất…
Theo Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ phê duyệt ngày 29/7, Đề án phấn đấu đến năm 2030, nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.
Từng bước nghiên cứu nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiểm kê, đánh giá; xây dựng, áp dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo trong ngành thủy sản nguy cơ sự cố môi trường.