Kim Chi ·
1 năm trước
 3951

Triển vọng đầu tư cổ phiếu ngân hàng năm 2023

Là nhóm cổ phiếu chiếm hơn 1/3 tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm khi nhìn về triển vọng đầu tư trong năm mới.

7.500 tỷ đồng là giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chứng khoán trong nước phiên 14/2,mức thanh khoản theo phiên thấp nhất hơn 2 năm qua. Như vậy, lễ tình nhân năm nay có thể gọi là "không có quà" khi VN-Index giảm hơn 5 điểm, hiện đang ở mốc 1.038,64 điểm, dù HNX-Index và UPCOM xanh nhẹ nhưng với "dòng tiền" gần như đi vắng đã không thể khiến đà tăng lan rộng.

Điều này cũng hoàn toàn bình thường bởi nhân tố chính trong đợt hồi phục trước đó là khối ngoại đã giảm mua ròng đáng kể. Phiên vừa qua các nhà đầu tư nước ngoài chỉ gom lại hơn 72 tỷ đồng sau phiên bán ròng trước đó.

Một vài ý kiến cho rằng, các nhà đầu tư có phần chững lại chờ công bố CPI tháng 1 của Mỹ, tuy nhiên, khách mời trong chương trình Khớp lệnh của VTVMoney lại cho rằng, các công bố từ bên kia bán cầu không còn nhiều tác động đến tâm lý của giới đầu tư trong nước.

"Mức lãi suất của FED đã gần 5%, thường thì họ sẽ tăng đến hơn 5%, mình nghĩ sẽ là tối đa. Câu chuyện CPI tốt hay xấu thì thực ra, tốt có thể giúp chứng khoán bật 1 phiên, hay xấu thì nó có thể giảm 1 phiên, nhưng thực tế Dow Jones vẫn đang trong giai đoạn khá ổn định và không có nhiều biến số quá khó đoán. Trừ khi bây giờ các hàng hóa thiết yếu như dầu, than, ngũ cốc, vận tải tăng mạnh… là những biến số khó đoán. Còn các biến số khác không gây nhiễu loạn đến Dow Jones nhiều và cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam về mặt tâm lý nhà đầu tư", ông Trần Tuấn Minh, Trưởng phòng phân tích Công ty cổ phần đầu tư TVI, đánh giá.

Cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được nhiều sự quan tâm khi nhìn về triển vọng đầu tư trong năm mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tâm lý nhà đầu tư không chịu nhiều tác động đồng nghĩa với việc chỉ cần nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn dắt, dòng tiền sẽ trở lại mạnh hơn. Là nhóm cổ phiếu chiếm hơn 1/3 tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán, dòng cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được nhiều sự quan tâm khi nhìn về triển vọng đầu tư trong năm mới.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn đầu của thị trường hồi phục, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn có mặt. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15%, bản chất vẫn là mức cao duy trì tương ứng các năm, tuy nhiên theo giới phân tích tăng trưởng tín dụng khi đi vào từng nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa.

"Vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, đa phần là nhóm quốc doanh vì họ có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ. Phần đông nhóm cho vay bất động sản nhiều đang nằm ở khối tư nhân, nên tính mặt bằng tăng trưởng năm nay, tổng lợi nhuận toàn ngành có thể vẫn gia tăng nhưng sẽ bị phân hóa lớn, có thể nhóm tư nhân sẽ giảm tốc độ tăng trưởng", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest, đánh giá.

Một yếu tố nữa ủng hộ sức khỏe nhóm ngân hàng quốc doanh năm nay là sự thay đổi của Thông tư số 26/2022 của Ngân hàng Nhà nước. Từ khi thông tư này có hiệu lực, 50% số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước sẽ được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống, từ đó làm giảm thêm áp lực lên lãi suất cho vay do tỷ lệ nợ trên vốn (LDR) được cải thiện.

Với nhóm ngân hàng tư nhân, không phải là không có cơ hội, theo nhà đầu tư lâu năm, những doanh nghiệp có câu chuyện tái cấu trúc thành công và những ngân hàng có lịch sử, kế hoạch cổ tức hấp dẫn vẫn là những lựa chọn đầu tư dài hạn phù hợp.

Khác với các năm trước khi có dịch COVID-19, đồng thời vốn điều lệ ngân hàng còn "mỏng", Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu, nhưng trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước không còn siết chia cổ tức bằng tiền mặt đối với nhiều ngân hàng. Đây được đánh giá là 1 mũi tên trúng 2 lợi ích, vừa mang lại lợi ích cho cổ đông, vừa giảm áp lực cho thị trường chứng khoán, tránh cảnh hàng tỷ cổ phiếu chia cổ tức phát hành ra thị trường trong một bối cảnh lực cầu đang không còn mạnh.