Lan Anh ·
2 năm trước
 10080

Từ 1/2022, phí thẩm định cấp giấy phép môi trường tối thiểu 45 triệu đồng/giấy phép

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép môi trường do cơ quan trung ương thực hiện.

Thông tư số 02/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép môi trường do cơ quan trung ương thực hiện. Theo đó, phí thẩm định cấp giấy phép môi trường từ 45 triệu đồng/giấy phép.

Thông tư nêu rõ, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường là người nộp phí theo quy định.

Từ 1/2022, phí thẩm định cấp giấy phép môi trường tối thiểu 45 triệu đồng/giấy phép - Ảnh 1
Từ 1/2022, phí thẩm định cấp giấy phép môi trường tối thiểu 45 triệu đồng/giấy phép. (Ảnh: Báo TN&MT)

Cụ thể, phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi trường như sau: Đối với các dự án hoặc cơ sở thuộc nhóm 1 (trừ một số dự án) có mức phí là 50 triệu đồng/giấy phép;

Đối với các dự án hoặc cơ sở thuộc nhóm II hoặc các dự án hoặc cơ sở nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biên chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh có mức phí là 45 triệu đồng/giấy phép.

Phí thẩm định cấp điều chỉnh giấy phép môi trường là 15 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở.

Mức phí nêu trên tính theo lần thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường. Mức phí không bao gồm chi phí đi lại của đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở và chi phí lấy mẫu, phân tích mẫu chất thải theo quy định.

Người nộp phí thực hiện nộp phí thẩm định trong thời gian 10 ngày làm việc tính từ ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc các cơ quan nhà nước thuộc 3 Bộ được giao thực hiện thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường theo quy định pháp luật là tổ chức thu phí quy định tại Thông tư.

Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ, được trích lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định; nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư số 02/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/1/2022, thay thế cho Thông tư số 59/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại và Thông tư số 62/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Những đối tượng nào phải có giấy phép môi trường?

1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại.

3. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III ó phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức nhưng thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.

Nguồn