Bích Ngọc ·
12 tuần trước
 10344

Từ ngày 1/7, chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024 áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng, tuy nhiên sẽ không áp dụng với mọi giao dịch.

Hiện nay, các nhà băng đồng loạt phát đi thông báo, yêu cầu khách hàng cài đặt sinh trắc học để đáp ứng quy định mới về thanh toán ngân hàng được áp dụng từ 1/7 sắp tới.

Để cài đặt sinh trắc học, khách hàng có thể mang Căn cước công dân gắn chip đến các điểm giao dịch của ngân hàng; hoặc có thể tự cài đặt online bằng cách truy cập ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng và thao tác theo các hướng dẫn của ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Các nhà băng cho biết, việc yêu cầu xác thực sinh trắc học sẽ tăng cường độ phức tạp của quy trình giao dịch khi người dùng cần thực hiện thêm một bước xác thực và cung cấp thông tin sinh trắc học của mình khi chuyển khoản, tuy nhiên điều này sẽ giúp tăng cường bảo mật, ngăn chặn việc truy cập trái phép và hạn chế tối đa khả năng bị lừa đảo, mang lại sự an tâm và tin tưởng cho người dùng khi sử dụng app ngân hàng.

Theo đó, các giao dịch cần xác thực sinh trắc học bao gồm: Chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên; Giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (Mobile Banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất.

Bên cạnh đó, một số nhà băng cũng áp dụng với một số giao dịch khác như: Đăng nhập lần đầu sau khi bấm “Quên mật khẩu” và cấp lại mật khẩu mới; Giao dịch thanh toán, tiết kiệm, giao dịch ví điện tử…

Tuy vậy, không phải trường hợp nào chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên, cũng phải thực hiện sinh trắc học.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), quy định chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền thông thường, không áp dụng với các giao dịch thanh toán mà ở đó bên nhận tiền đã là điểm đến rõ ràng.

Có nghĩa là đối với tất cả các giao dịch thanh toán mà các đơn vị chấp nhận thanh toán, các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Chẳng hạn thanh toán tiền điện, nước, thanh toán thuế, thanh toán phí giao thông,... tất cả những giao dịch có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.

Còn với trường hợp giao dịch dưới 10 triệu đồng/lần giao dịch, Quyết định 2345 cũng nêu rõ tổng giá trị các giao dịch trong ngày dưới 20 triệu đồng sẽ không phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học. 

Trường hợp tổng giá trị giao dịch thực hiện trong ngày quá 20 triệu đồng, giao dịch tiếp theo sẽ yêu cầu người chuyển tiền xác thực sinh trắc học, nhưng cũng chỉ phải xác thực sinh trắc học một lần khi vượt 20 triệu đồng. 

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng như vậy là đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dùng vì ngân hàng xác định chuyển tiền khác với thanh toán.

Lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi

Các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hành phục của người dân.

Trên thị trường xuất hiện các hình thức lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng về hình thức nhưng có điểm chung là yêu cầu khách hàng tải các app giả mạo cơ quan nhà nước như: Dịch vụ công, Tổng cục thuế, Bộ công an… 

Thông qua các trang web, đường link được ngụy trang giống với kho ứng dụng như Play Store và App Store hoặc yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật tài khoản. Sau khi khách hàng cung cấp, kẻ gian sẽ truy cập trái phép tài khoản ngân hàng điện tử, chiếm đoạt quyền kiểm soát để đánh cắp tiền trong tài khoản của khách hàng, hoặc yêu cầu chuyển tiền để hoàn thành giao dịch mua bán, nộp phí,...

Đặc biệt là gần đây hình thức lừa đảo chiếm quyền trợ năng trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android nở rộ. Cần lưu ý rằng các điện thoại bị cài đặt những ứng dụng giả mạo sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu như máy mau hết pin và chạy chậm, xuất hiện ứng dụng lạ trên điện thoại, hoặc ứng dụng tự động bật lên ngay cả khi không sử dụng điện thoại…

Cơ quan công an đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7934059893320364