Thanh Tâm ·
39 tuần trước
 7786

Ứng phó BĐKH là một trong những trọng tâm ưu tiên của sự phát triển toàn cầu

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những trọng tâm ưu tiên của mọi quyết định phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Tháng 7 trở thành tháng nóng nhất lịch sử

Bên cạnh các thách thức về kinh tế vĩ mô hiện nay, các quốc gia trên thế giới còn phải đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu. Các khó khăn, thách thức này đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong nhiều năm qua, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đáng kể đến nhiều quốc gia trên thế giới. So với mức trung bình trong 20 năm qua, thiệt hại kinh tế do do hạn hán đã tăng 63%, do lũ lụt tăng 23 %, và do các trận lở đất tăng 147 %.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, thiệt hại kinh tế do hạn hán, lũ lụt và lở đất ở châu Á đã tăng vọt lên tới 35,6 tỷ USD, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người.

Các quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất do lũ lụt làTrung Quốc (18,4 tỷ USD), Ấn Độ (3,2 tỷ USD) và Thái Lan (0,6 tỷ USD). Bão cũng gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể, đặc biệt là ở Ấn Độ (4,4 tỷ USD), Trung Quốc (3 tỷ USD) và Nhật Bản (2 tỷ USD).

Trong khi lũ lụt gây ra số người chết và thiệt hại kinh tế cao nhất, thì hạn hán lại tác động đến nhiều người nhất trong khu vực. Bão cát và bụi cũng là một vấn đề lớn.

Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần kể từ đầu tháng 7 đến nay, hàng loạt kỷ lục về thời tiết khắc nghiệt đã bị phá vỡ.

Năm 2021, thiệt hại kinh tế do hạn hán, lũ lụt và lở đất ở châu Á đã tăng vọt lên tới 35,6 tỷ USD, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người. (Ảnh minh họa).

Tại Bắc Mỹ, khu vực phía Nam và Tây Nam nước Mỹ đang chống chọi với đợt nắng nóng dai dẳng và gay gắt chưa từng thấy. Trong 20 ngày liên tiếp, nhiệt độ tại thành phố Phoenix, bang Arizona, luôn cao từ 43,3 độ C trở lên, khiến người mắc bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng nằm chật kín các khoa cấp cứu.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, khu vực Nam Âu cũng hứng chịu một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất trong lịch sử, làm nhiều đám cháy rừng bùng phát tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Trong khi đó, tại châu Á, Nhật Bản vào sáng 17/7 vừa qua đã ghi nhận nhiệt độ 39,7 độ C ở thành phố Kiryu, tỉnh Gunma trên Honshu, cũng là đảo lớn nhất và đông dân nhất Nhật Bản. Mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản là 41,1 độ C ở thành phố Kumagaya, tỉnh Saitama, năm 2018. Nắng nóng gay gắt làm gia tăng các trường hợp bị say nắng ở nhóm người cao tuổi Nhật Bản, vốn chiếm 28% dân số.

Cùng ngày, Trung Quốc cũng đã ghi nhận nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C, thậm chí có nơi như thị trấn Sanbao ở Tân Cương ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 52,2 độ C.

Hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đồng thời được ghi nhận ở nhiều khu vực khác ở châu Á. Tại Philippines và Campuchia, nơi lũ lụt khiến giao thông gián đoạn ở các thành phố lớn như Manila và Phnom Penh. Ngay tại Nhật Bản, đối lập với nắng nóng chạm ngưỡng kỷ lục là mưa lớn kỷ lục ở khu vực Tây Nam đất nước Mặt trời mọc, gây ra lũ lụt nghiêm trọng và khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. 

Theo Đài quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), thế giới đang trên đà trải qua tháng 7 nóng nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu ghi nhận nhiệt độ. 15 ngày đầu tiên của tháng 7 là 15 ngày nóng nhất từng ghi nhận, do vậy tháng 7 này có thể trở thành tháng 7 nóng nhất.

Đầu tư thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm

Ông Wilfran Moufouma Okia, Trưởng ban Dự báo khí hậu khu vực, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ có khả năng tăng cao hơn mức trung bình trong dải vĩ độ từ 50 độ Nam đến 50 độ Bắc, bao gồm vùng biển Caribe, khu vực Trung Mỹ và phần phía Bắc của khu vực Nam Mỹ. Nếu chúng ta nhìn vào lượng mưa, có thể thấy các dấu hiệu trùng khớp với hiện tượng El Nino. Vì vậy, trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 tới, chúng ta sẽ nhận thấy có sự gia tăng diện tích khô hạn ở Australia, khu vực biển lục địa và phía Bắc của Nam Mỹ.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các quốc gia nên cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng mới cần được thiết kế chống chịu với các loại hình thiên tai này. Chính quyền ở các vùng đất dễ bị khô hạn sẽ cần đưa ra các giải pháp cải tiến quản lý tài nguyên nước và sản xuất nông nghiệp, trong đó, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên mang lại lợi ích lâu dài.

Tại Hội nghị Nữ lãnh đạo Khối Kinh tế với chủ đề "Triển vọng kinh tế và tài chính khí hậu”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định đây là xu thế không thể đảo ngược và thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại hiện nay. Ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những trọng tâm ưu tiên của mọi quyết định phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Với vai trò là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế,, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, ngành ngân hàng Việt Nam luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các quốc gia có thể đa dạng hóa nguồn vốn cho các dự án "xanh", đặc biệt là thông qua các ngân hàng phát triển quốc tế đa phương (MDBs) như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... để tận dụng và phát huy các nguồn vốn dài hạn với mức chi phí vốn hợp lý để giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn tích cực và có trách nhiệm trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đã có những bước đi để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh hóa.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và vừa qua đã thông qua Tuyên bố Chính trị thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với các đối tác trong và ngoài G7.