Lan Anh ·
2 năm trước
 1549

Vai trò của con người trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những biện pháp hữu hiệu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Vậy, con người cần làm gì để bảo tồn đa dạng sinh học? Và cũng để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5/2021, tôi xin trích dẫn bài viết này để cùng nghiên cứu về công việc cần làm mà con người cần thực hiện như một lời xin lỗi và biết ơn tự nhiên...

Đa dạng sinh học đang bị suy giảm nghiêm trọng

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change (không bao gồm Nam Cực), do TS Andrew Plumptre làm tác giả chính cho biết, chỉ 3% diện tích đất trên thế giới vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái, với các quần thể động vật nguyên thủy khỏe mạnh và môi trường sống chưa bị xáo trộn.

Thế giới đang trong cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, nhiều quần thể động vật hoang dã, từ sư tử đến côn trùng, đang lao dốc về số lượng cá thể, chủ yếu do mất môi trường sống. Một số nhà khoa học cho rằng, đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trên Trái Đất đang bắt đầu và sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với thực phẩm, nước sạch và không khí.

bảo tồn đa dạng sinh học

Phá rừng làm mất cân bằng sinh thái, đe dọa sự đa dạng sinh học.

Ngoài ra, có đến 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Trong số các loài đang trong tình trạng bị đe dọa có tới 25% loài động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển; 41% động vật lưỡng cư; 19% loài bò sát; 13% loài chim; 7% loài cá; 31% cá đuối và cá mập; 33% rạn san hô; 27% động vật giáp xác; từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật. Ước tính 82% sinh khối động vật có vú hoang dã đã bị mất. Đây là những con số thống kê của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hợp Quốc tại Báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 (IPBES).

Bên cạnh đó, các loài thực vật cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các khu rừng chứa 60.000 loài cây khác nhau, nhưng mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. Từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu ha rừng đã bị phá hủy do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện có 4 loài động vật đã tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp, 37 loài thực vật rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp. Số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế… đã mất đi khá nhanh, trong số này có nhiều giống quý hiếm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do sự biến mất tự nhiên, khai thác quá mức; Biến đổi khí hậu; Ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa... và các loài xâm lấn. Trong đó, đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất bị biến đổi, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm. Biến đổi khí hậu cũng đẩy hàng nghìn loài động vật và thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng. Các đợt nắng nóng, hạn hán gia tăng đã khiến nhiều nước phải hứng chịu hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng như ở Australia, Indonesia, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ và Hy Lạp.

‘Chúng ta là một phần của giải pháp’

Để ứng phó với thực trạng trên, ngày 01/3/2021, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái Đất của chúng ta.

Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới, tính chất đa dạng sinh học cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng do hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu. Để bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật khá đầy đủ, như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, các văn bản hướng dẫn Luật, các Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học… Tuy nhiên, bên cạnh những chế định về luật pháp, cần chú trọng đến các giải pháp có tính thực tiễn, tác động trực tiếp đến hành vi, cuộc sống của người dân, phù hợp với cộng đồng địa phương để người dân tham gia vào công tác bảo tồn.

bảo tồn đa dạng sinh học

Từ đó, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 (22/5) được phát động như một lời nhắc nhở đa dạng sinh học vẫn là giải pháp quan trọng, là một lựa chọn cho sự phát triển bền vững. Với chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” nhằm kêu gọi con người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời nhấn mạnh con người là một mảnh ghép quan trọng trong các giải pháp này.

Theo đó, các giải pháp của con người dựa vào thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn; Bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt, cũng như hệ sinh thái biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Công ước đa dạng sinh học cũng nhấn mạnh, con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam có 176 khu rừng đặc dụng, với khoảng 24 - 25 triệu người sống gần nơi có đa dạng sinh học cao. Để thu hút hàng triệu người dân cùng bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thì phải cải thiện sinh kế cho họ. Nếu người dân có thể sống được từ rừng, làm giàu được từ rừng và có quyền được hưởng thụ những lợi ích từ đa dạng sinh học đưa lại cho gia đình, họ sẽ sẵn sàng đứng ra bảo vệ.

Để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5/2021, Bộ TN&MT đã đề nghị các Bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc triển khai, tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Đồng thời, nhân sự kiện này, Bộ TN&MT sẽ vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020.