Công văn nêu rõ, nhằm triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên các lưu vực sông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
Tiếp tục triển khai các giải pháp đã được nêu tại Văn bản số 3176/BTNMT-TNN ngày 08/5/2023 về thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Trên cơ sở kết quả dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước về các hồ chứa và hiện trạng khai thác sử dụng nước trên các lưu vực sông, chỉ đạo việc tính toán, đề xuất phương án cụ thể vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn, trong đó có các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện và báo cáo Bộ Công Thương để thống nhất trước khi gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, thiếu hụt so với quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong thời kỳ mùa cạn trên các lưu vực sông. Mực nước hồ chứa trung bình thấp hơn trong khoảng từ 0,4m đến 24m, tương ứng tổng lượng nước thiếu hụt trong khoảng từ 16 đến 389 triệu m3. Cụ thể, một số hồ chứa lớn như hồ Bản Vẽ (thiếu hụt 389 triệu m3), Ngàn Trươi (thiếu hụt 222,7 triệu m3), A Vương (thiếu hụt 48,26 triệu m3), Buôn Tua Srah (thiếu hụt 111,3 triệu m3), Sông Tranh 2 (thiếu hụt 68,4 triệu m3)…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhận định sớm về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn năm 2023, dòng chảy có thể thiếu hụt từ 20-40% trên các sông ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ trong các tháng cuối mùa cạn năm 2023; 20-50% trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ; 15-25% trên các sông ở khu vực Tây Nguyên so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15-35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15-40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng.
Do vậy, để bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2023, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất thời kỳ nắng nóng, cao điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành liên quan chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên.
Vì sao phải vận hành liên hồ chứa?
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài cho rằng, trong một hệ thống sông có thể có nhiều hồ chứa, khi vận hành liên hồ chứa nó sẽ ảnh hưởng đến nước hồ chứa khác. Vận hành xả lũ hồ Sơn La sẽ ảnh hưởng, tác động đến hồ Hòa Bình. Nó liên hoàn, tác động trực tiếp với nhau.
Do đó, khi vận hành liên hồ chứa đòi hỏi sự thận trọng, chính xác, linh hoạt. Lấy ví dụ năm 2017, lưu vực lòng hồ Hòa Bình mưa rất lớn, mực nước trong hồ lại đang rất cao trong khi đó hồ Sơn La cũng đang ở mức cao nhưng vẫn còn dung tích tích nước. Do vậy, chúng tôi đã quyết định đóng toàn bộ hồ Sơn La để giảm tải cho hồ Hòa Bình. Nếu không hiểu biết và nắm sâu số liệu thì chúng ta không thể đưa ra quyết định như vậy.
Việc vận hành liên hồ chứa rất phức tạp. Ở Việt Nam hiện có 11 liên hồ chứa, có những lưu vực sông Hồng sông Thái Bình có những hồ chứa rất lớn, tầm cỡ của Thế giới: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang. Tổng dung tích cắt lũ ở các hồ này lên tới 8,5 tỷ m3. Lưu vực Sài Gòn - Đồng Nai có tới 30 hồ. Nếu vận hành không chính xác thì sẽ gây ra hiệu ứng domino. Trên thế giới đã từng xảy ra tình trạng hồ trên vỡ gây vỡ tiếp các hồ phía dưới gây thiệt hại lớn về người và tài sản.