Tạ Nhị ·
29 tuần trước
 9053

Vành đai 4-Vùng Thủ đô ‘đội vốn’ gần 2.900 tỷ đồng

Ước tính tổng mức đầu tư của Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư ban đầu.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá tỷ lệ giải ngân các dự án thành phần có cấu phần xây dựng còn chậm, ngoài Dự án thành phần 2.1 (Hà Nội) đã giải ngân đạt 80,45% nguồn vốn đã bố trí năm 2023; Dự án thành phần 2.2 (Hưng Yên) mới chỉ giải ngân được 4,76% vốn đã bố trí năm 2023 và Dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh) chưa giải ngân.

Du an duong Vanh dai 4-Vung Thu do ‘doi von’ gan 2.900 ty dong hinh anh 1

Phối cảnh dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Nguồn: Báo Chính phủ)

Chính phủ cho biết kết quả phê duyệt các dự án thành phần cho thấy tổng mức đầu tư khoảng 84.320 tỷ đồng (thấp hơn sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56 của Quốc hội). Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của Dự án sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên dự kiến tăng khoảng 1.500 tỷ đồng; dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến tăng khoảng 2.874 tỷ đồng. Nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.

7 dự án thành phần của Dự án đường Vành đai 4

 Dự án thành phần 1.1 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận thành phố Hà Nội) sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 13.370 tỷ đồng (ngân sách Trung ương khoảng 4.010 tỷ đồng, ngân sách địa phương 9.360 tỷ đồng).

Dự án thành phần 1.2 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) sơ bộ tống mức đầu tư khoảng 3.740 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương).

Dự án thành phần 1.3 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh) sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.480 tỷ đồng (ngân sách Trung ương khoảng 2.110 tỷ đồng, ngân sách địa phương 370 tỷ đồng).

Dự án thành phần 2.1 chiều dài khoảng 58,2km, quy mô 2 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương).

Dự án thành phần 2.2 chiều dài khoảng 19,3km, quy mô 2 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tự khoảng 1.505 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương).

Dự án thành phần 2.3 chiều dài khoảng 35,3km, quy mô 2 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.794 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương).

Dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP; chiều dài khoảng 112,8km, quy mô theo quy hoạch 6 làn xe, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng, vốn Nhà nước khoảng 27.089 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 18.313 tỷ đồng, ngân sách địa phương 8.776 tỷ đồng), vốn nhà đầu tư huy động khoảng 29.447 tỷ đồng (chiếm 52,1%).

Theo quy định của pháp luật về đầu tư công phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thâm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó.

Sau khi hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, các địa phương sẽ rà soát kỹ, xác định chính xác tổng mức đầu tư theo đúng quy định, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chủ trì, tổng hợp hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Tiến độ thi công ra sao?

Cập nhật tình hình triển khai thi công xây lắp dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, theo báo cáo mới nhất được Chính phủ gửi đến Quốc hội, trong tổng số 4 dự án thành phần có cấu phần xây dựng, đến nay mới chỉ có dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành trên địa bàn TP Hà Nội) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu.

Các nhà thầu đã hoàn thành công tác chuẩn bị, xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị triển khai 11 mũi thi công trên công trường.

Dự án thành phần 2.2 (xây dựng đường song hành trên địa phận Hưng Yên) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 10/2023.

Dự án thành phần 2.3 (xây dựng đường song hành trên địa phận tỉnh Bắc Ninh) được chia thành 3 gói thầu, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt thiết kế, dự toán 1 gói thầu, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để khởi công ngày 10/10/2023; 1 gói thầu dự kiến phê duyệt thiết kế dự toán trong tháng 10/2023. Với 1 gói thầu còn lại đang trình Bộ Xây dựng thẩm định.

Theo đánh giá, tiến độ khởi công các dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành chậm so với yêu cầu của Chính phủ, chỉ có duy nhất dự án thành phần 2.1 khởi công từ tháng 6/2023,

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay, hiện trường chủ yếu chỉ xây dựng lán trại, thi công lớp đất hữu cơ, đắp nền một số phân đoạn và làm đường công vụ. Nguyên nhân chủ yếu do phải hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án.

Liên quan đến dự án thành phần 3 (xây dựng đường cao tốc) - dự án thành phần quan trọng nhất của dự án được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP), báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện tại, công tác thiết kế kỹ thuật chưa được triển khai do chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Quá trình triển khai cũng phát sinh một số vướng mắc cần được tháo gỡ nên kéo dài thời gian chuẩn bị dự án.

Cụ thể, dự án vẫn chưa thống nhất về cơ quan lập thiết kế, thời điểm phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Một bất cập khác được đưa ra, theo quy định tại Nghị định số 35/2021 và Nghị định số 99/2021 của Chính phủ, đối với trường hợp tách thành tiểu dự án trong dự án PPP, chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị dự toán của tiểu dự án đầu tư công khi doanh nghiệp dự án hoàn thành công trình, thanh toán giá trị còn lại khi doanh nghiệp dự án được xác nhận hoàn thành công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Những vướng mắc trên đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền cần sớm rà soát, điều chỉnh hoặc hướng dẫn làm rõ để tạo hành lang pháp lý, làm cơ sở tổ chức thực hiện đúng quy định.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6924451580947872/