Bích Ngọc ·
40 tuần trước
 9257

VCBS dự báo lợi nhuận ngân hàng năm 2023 ra sao?

Theo báo cáo ngành ngân hàng vừa được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố, trong năm 2023 lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng có thể đi ngang và tăng khoảng 10% trong năm 2024.

Chuyên gia phân tích VCBS dự báo, năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì mức 12%. Tăng trưởng tín dụng vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi, tuy vậy mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, nhất là tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Dự kiến danh mục trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các nhà băng vẫn duy trì ổn định. Trong 2024, biên lãi ròng (NIM) đi ngang hoặc tăng nhẹ khi chi phí vốn được cải thiện, tuy nhiên lãi suất cho vay tiếp tục chịu áp lực giảm khi các nhà băng cạnh tranh thu hút khách hàng chất lượng tốt.

Tiềm năng mở rộng NIM thuộc về nhóm khách hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA.

Năm 2023, nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ các thông tư và chính sách hỗ trợ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo dự báo của VCBS, năm 2023 lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc, đi ngang trong và có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Tính tới cuối tháng 11/2023, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 9,15%, khả năng tăng 12% năm 2023. VCBS cho biết, nhìn chung nhu cầu tín dụng vẫn ở mức yếu do nền kinh tế và thị trường bất động sản hồi phục chậm.

Lãi suất huy động giảm nhanh và lãi suất cho vay thực tế đã ghi nhận giảm khoảng 2 – 2,5% tại các khoản vay phát sinh mới. Tuy vậy, lãi suất dành cho các khoản vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao (khoảng trên 10%/năm) do có độ trễ 3 – 6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm giữa các ngành nghề.

Mặt bằng lãi suất kỳ vọng trong năm 2024 sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1 – 1,5%.

Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận mức lãi suất cho vay giảm mạnh hơn nhóm ngân hàng quốc doanh do các khoản cho vay chậm trả lãi tăng nhanh và giảm lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng. Theo dự kiến, trong thời gian tới lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng này có thể cải thiện khi khách hàng quay lại trả nợ.

NIM ngân hàng dự kiến hồi phục từ mức đáy trong quý III/2023 khi nguồn vốn huy động giá cao được hấp thụ hết, cùng với đó việc nguồn vốn giá rẻ CASA tăng trở lại. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào có NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần.

Bên cạnh đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước NIM đi ngang hoặc tăng nhẹ. Mức độ cải thiện NIM của nhóm ngân hàng trung bình - nhỏ phụ thuộc vào áp lực giảm lãi suất cạnh tranh tăng trưởng tín dụng và tốc độ phục hồi khả năng chi trả của khách hàng.

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng cuối quý III/2023 tăng lên 2,2% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,3% từ mức 1,8% cuối 2022 tuy nhiên đã giảm theo quý là dấu hiệu tích cực cho thấy nợ xấu đạt đỉnh.

NHNN ước tính, đến tháng 8/2023 tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn toàn hệ thống (bao gồm SCB, Đông Á, CB, Oceanbank, GPbank) ở mức 5,12% và 8%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến trong năm 2023 sẽ chưa tăng đột biến nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP hỗ trợ gia hạn TPDN và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng nên hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn, Nghị quyết 42 hết hạn vào 31/12/2023 trong khi Luật các TCTD sửa đổi chưa được thông qua tạo ra khoảng trống pháp lý cho việc xử lý nợ xấu.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7184021414990886/?