NIM thu hẹp và thu nhập ngoài lãi giảm
VCBS cho hay, kết thúc quý I/2023, NIM (biên lãi ròng) toàn ngành ngân hàng đã giảm còn 3,68% từ mức 3,81% cuối năm 2022.
Nguyên do bởi việc điều chỉnh lãi suất huy động đã phần nào được phản ánh vào NIM; trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm hơn và các khoản nợ phải thu có chiều hướng gia tăng. NIM dự kiến tiếp tục giảm trong quý II khi nguồn vốn huy động giá cao vẫn chưa được hấp thụ hết, cùng với việc nguồn vốn lãi suất thấp CASA sụt giảm mạnh.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Khi NIM giảm thì thu nhập ngoài lãi của toàn nhà băng cũng sụt giảm mạnh ở tất cả các hoạt động chính. Thu nhập ngoài lãi quý I/2023 chiếm trung bình 20% trong tổng thu nhập của toàn hệ thống và đã giảm 21,7% so với cùng kỳ khi các hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu và thu nợ xấu ngoại bảng đang gặp thách thức.
Cụ thể hơn, thu nhập dịch vụ bán chéo bảo hiểm nhân thọ (chiếm xấp xỉ 30% thu nhập dịch vụ) bị giảm bởi việc các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hoạt động thanh tra khiến thu nhập của ngân hàng giảm sút. Doanh thu khai thác mới thông qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm 38% so với cùng kỳ chỉ sau 4 tháng đầu năm, theo dự báo lãi từ phí bảo hiểm cuối năm dự kiến giảm 10-15%.
Bắt đầu từ quý II/2023, thu nhập từ đầu tư kinh doanh bảo hiểm và đầu tư trái phiếu Chính phủ kỳ vọng tốt hơn.
Xu hướng ngành ngân hàng là tiếp tục tăng cường chuyển đổi số, đây mạnh hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì lợi nhuận và có dư địa giảm tiếp lãi suất.
Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng
Theo các chuyên gia VCBS, họ đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 12% trong năm 2023 vì lãi suất cho vay ở mức cao và sức khoẻ tài chính của khách hàng suy giảm.
Ở nửa cuối năm 2023, việc lãi suất hạ nhiệt sẽ tạo động lực tăng cho nhu cầu tín dụng và được kỳ vọng sẽ kéo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng cải thiện mạnh mẽ so với nửa đầu năm.
Trong cuối năm, áp lực thu hẹp NIM dự kiến sẽ giảm, tuy vậy mức độ cải thiện phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
Cụ thể, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước NIM duy trì mức thấp vì áp lực giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế với các gói vay ưu đãi quy mô lớn từ đầu 2023.
Cùng lúc đó, nhóm nhà băng tư nhân có tập khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào dự kiến NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần.
NIM của nhóm ngân hàng nhỏ thiếu hụt về thanh khoản trong giai đoạn trước sẽ cải thiện rõ rệt khi các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đáo hạn.
Theo VCBS, năm 2023, dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc,với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng và tiếp tục phân hóa mạnh trong năm 2024.
Một số nhà băng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, trong năm 2024 thậm chí tăng trưởng âm, trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô trên thế giới tiếp tục xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, cùng với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.
Theo đó, VCBS dự báo nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1% vào cuối quý I/2023. Tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC ở mức 1,1%, bao gồm khoảng 0,7% đến từ ngân hàng SCB và 0,2% đến từ ngân hàng Sacombank.
Do thị trường bất động sản đóng băng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay nên hoạt động xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Bởi việc Nghị quyết 42 hết hiệu lực từ đầu năm 2023 đã tạo ra nhu cầu cấp thiết tiến tới xây dựng Luật xử lý nợ xấu sẽ là cơ chế giúp các ngân hàng khoanh nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng và duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6646912038701829/?