Bích Ngọc ·
26 tuần trước
 8962

Vi phạm nhiều lần, bị phạt thuế nặng Nhựa Bình Minh vẫn báo lãi kỷ lục?

Sau 9 tháng đầu năm 2023, với việc mang 2.035 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng (chiếm 59% tổng tài sản), Nhựa Bình Minh đã thu về 88 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Mới đây, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với doanh thu thuần đạt 926 tỷ đồng (giảm 38% so với cùng kỳ). Giá vốn giảm 51% (xuống 527 tỷ đồng).

Biên lợi nhuận gộp đạt 43%, so với cùng kỳ năm tăng mạnh và là mức cao nhất từ trước tới nay tính theo quý. Trong kỳ, các chi phí đều được tiết giảm. Khấu trừ các chi phí, Nhựa Bình Minh ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 209 tỷ đồng, (tăng 19% so với cùng kỳ). 

Luỹ kế 9 tháng 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 3.703 tỷ đồng (giảm 16%), lợi nhuận sau thuế 784 tỷ đồng tăng 75% so với cùng kỳ. Đây cũng là kỷ lục mới về lợi nhuận của doanh nghiệp này. So với kế hoạch, công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu (vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận năm).

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 3.477 tỷ đồng (tăng 14% so với đầu năm). Hàng tồn kho giảm 22% (xuống 449 tỷ đồng). Công ty có 2.035 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng (chiếm 59% tài sản). 9 tháng đầu năm nay, Nhựa Bình Minh thu về 88 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Nợ phải trả của Nhựa Bình Minh là 512,4 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn 493 tỷ đồng. Trong đó, công ty đi vay và nợ thuê tài chính chỉ hơn 55 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 2.964 tỷ đồng (bao gồm 1.157 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 942 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối).

Tháng 9 vừa qua, Nhựa Bình Minh bị Tổng cục Thuế xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả. Cụ thể, Nhựa Bình Minh đã bị cơ quan thuế kết luận là có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp quy định; Khai sai không dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng phải nộp.

Cùng với đó, công ty còn có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần. Chính vì vậy, Nhựa Bình Minh bị áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả là truy thu thuế với tổng số tiền hơn 8,66 tỷ đồng.

Cơ quan thuế yêu cầu Tổng Giám đốc, đại diện cho Nhựa Bình Minh nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Trường hợp quá thời hạn thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định.

Được biết, Công ty CP Nhựa Bình Minh được thành lập ngày 16/11/1977 có tiền thân là Nhà máy Công tư hợp doanh Nhựa Bình Minh với mô hình công tư hợp doanh trên cơ sở sáp nhập Công ty Ống Nhựa Hóa Học Việt Nam (KEPIVI) và Công ty Nhựa Kiều Tinh. 

Thời điểm này, Nhà máy trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng và một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa.

Giai đoạn 1986 – 1990, công ty đổi tên thành Xí nghiệp Khoa học Sản xuất Nhựa Bình Minh, sang đến năm 1994 đổi tên thành Công ty Nhựa Bình Minh. Sau cổ phần hóa, công ty chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty CP Nhựa Bình Minh (từ ngày 2/1/2004).

Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp trong nước, vốn đã được cổ đông lớn nắm quyền chi phối với tỷ lệ nắm giữ 55% vốn điều lệ là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd – một thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan.

Doanh nghiệp đến từ Thái Lan này trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng mua vào 5,85 triệu cổ phiếu BMP (tương ứng tỷ lệ 16,72% vốn thời điểm đó). “Đại gia” Thái Lan thực sự gây chú ý khi “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần vào hồi tháng 3/2018. Với giá trúng bình quân bằng giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu, ước tính The Nawaplastic đã chi ra khoảng 2.300 tỷ đồng cho thương nói trên.

Theo Tạ Ngọc/Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7002118966514466/?