Khi thế giới bắt đầu tìm kiếm giải pháp chống biến đổi khí hậu, trồng cây gây rừng ngày càng được ứng dụng rộng rãi với các chiến dịch đầy tham vọng, đặt ra mục tiêu trồng hàng tỉ, hàng nghìn tỉ cây xanh. Nhưng việc trồng cây gây rừng có hiệu quả đến đâu?
Các chiến dịch trồng cây thường có chủ đích tốt, nhưng chúng thường không mang lại những lợi ích mà chúng hứa hẹn, từ thu giữ carbon đến cung cấp nơi ẩn náu cho các loài động vật quý hiếm. "Các chương trình trồng cây quy mô lớn có tỷ lệ thất bại cao", nhóm tác giả của một bài báo do nhà nghiên cứu môi trường Forrest Fleischman đứng đầu cho biết vào năm 2020. Vì sao lại như vậy?
Các chiến dịch trồng cây thường có chủ đích tốt, nhưng chúng thường không mang lại những lợi ích mà chúng hứa hẹn, từ thu giữ carbon đến cung cấp nơi ẩn náu cho các loài động vật quý hiếm
Fleischman hiện là phó giáo sư tại Đại học Minnesota, người đứng đầu nghiên cứu đăng trên Nature gần đây cho biết nếu có một nơi nào đó mà các dự án trồng cây may ra đạt được tới thành công thì đó là ở Himachal Pradesh, Ấn Độ. Ông nói, chính quyền bang có bề dày thành tích trong việc cung cấp các dịch vụ cho công chúng và đã trồng cây từ năm 1980.
Tuy nhiên, một phân tích hình ảnh vệ tinh và các cuộc phỏng vấn với hàng trăm hộ gia đình cho thấy hàng chục năm trồng cây của chính phủ với hàng trăm triệu cây giống đã được gieo xuống "hầu như không ảnh hưởng đến độ che phủ của tán rừng", Fleischman viết. Các nhà nghiên cứu cũng đo lường sự thay đổi của các loài cây trong hệ sinh thái và nhận thấy chúng không đem lại lợi ích hay tài nguyên cho cư dân tại Himachal Pradesh .
Vậy chuyện gì đã xảy ra? Fleischman nghi ngờ một số lượng lớn cây giống có thể đã chết chẳng bao lâu sau khi chúng được trồng, đơn giản là bởi môi trường kém chất lượng. Ông nói động vật trang trại cũng có thể phá hủy cây non nếu chúng được trồng ở những địa điểm trước đó là bãi chăn thả gia súc.
Ở những nơi khác trên thế giới, các dự án trồng cây không chỉ thất bại mà còn gây hại thêm cho hệ sinh thái bản địa.
Tại Mexico, chiến dịch trồng cây trị giá 3,4 tỷ USD do chính phủ nước này phát động vào năm 2018 đã thực sự là nguyên nhân thúc đẩy nạn phá rừng. Chương trình được gọi là Sembrando Vida, hay Gieo trồng cuộc sống, nhắm đến việc trả tiền cho mỗi cây giống mà nông dân trồng trên đất của mình.
Kết quả là trong một số trường hợp, người dân sẽ chặt rừng cũ để có đất trồng cây con xuống. Một phân tích của Viện Tài nguyên Thế giới cho thấy việc thực hiện sai chính sách ở Mexico đã khiến gần 73.000 ha rừng bị mất vào năm 2019.
Một vấn đề lớn hơn là nhiều chiến dịch trồng rừng không tính đến các điều kiện kinh tế hoặc xã hội cơ bản dẫn đến nạn phá rừng. Người dân có thể chặt cây để lấy củi hoặc lấy đất cho gia súc của họ.
Trong những trường hợp đó, đặt cây con xuống đất sẽ không có tác dụng gì nhiều để chấm dứt nạn phá rừng. "Trồng cây có thể không phải là một biện pháp can thiệp có hiệu quả ở đây. Thay vào đó, sự can thiệp hiệu quả phải là việc giúp người dân thay thế củi đun của họ mà không phải lấy từ rừng", Fleischman nói.
Vấn đề này đã xảy ra ở Brazil sau vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon năm 2019. Nhóm các quốc gia hùng mạnh được gọi là G7 đã đề nghị trả tiền để trồng lại rừng và khôi phục lại lá phổi của Trái Đất. Nhưng Holl cho biết đề nghị này không giải quyết được "các vấn đề cốt lõi của việc thực thi luật pháp, bảo vệ đất đai của người bản địa và cung cấp các động lực cho chủ đất để duy trì độ che phủ rừng".