Khánh An ·
3 năm trước
 2150

Vì sao đề xuất tạm thu hồi giấy phép lưu hành xe siêu trường siêu trọng chở thiết bị điện gió?

Trên tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 9 đi qua 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có nhiều cầu cũ, được xây dựng từ lâu, xuống cấp nhanh, một số cầu cắm biển báo hạn chế tải trọng toàn bộ xe. Trên thực tế, ngày 18/5 vừa qua, một chiếc xe siêu trường siêu trọng chở theo cánh quạt gió phục vụ cho một dự án điện gió tại Quảng Trị đã bị lật trên Quốc lộ 1A đoạn qua Thanh Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bởi vậy, việc xe siêu trường siêu trọng hoạt động trong hoàn cảnh nhiều dự án điện gió như hiện nay là điều phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn.

Cục Quản lý Đường bộ II vừa có văn bản hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng trên các tuyến quốc lộ.

Thời gian qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước trở thành điểm đến lý tưởng, hứa hẹn phát triển dự án điện gió như Đắk Nông, Sóc Trăng, Kon Tum,... Điển hình như Đắk Nông đã có tới 6 dự án điện gió được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10 năm ngoái và đều là những dự án có quy mô lớn.

6 dự án bao gồm Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 với tổng công suất 300 MW, Nhà máy điện gió Asian Đắk Song 1 với công suất 50 MW, Nhà máy điện gió Đắk Hòa với công suất 50 MW và Nhà máy điện gió Nam Bình 1 với công suất 30 MW.

Đây là tính riêng trên tỉnh Đăk Nông, còn lại ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước cũng đang phát triển mạnh về khai thác phát triển dự án điện gió. Trong đó có nhiều dự án mà quá trình xây dựng cũng đang gấp rút hoàn thiện. 

Đây là lý do khiến nhiều đơn vị vận chuyển lưu hành xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh… để phục vụ xây dựng các dự án điện gió.

xe siêu trường siêu trọng

Theo kết quả rà soát của Cục Quản lý đường bộ II, hiện có 53 cây cầu cần được đánh giá an toàn công trình hay kiểm định, trong đó 22 cầu hơn 5 năm chưa được đánh giá an toàn, 31 cầu có tải trọng thiết kế chưa đồng bộ với tải trọng khai thác của tuyến đường.

Đặc biệt, trên tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 9 đi qua 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có nhiều cầu cũ, được xây dựng từ lâu, xuống cấp nhanh, một số cầu cắm biển báo hạn chế tải trọng toàn bộ xe.

Trên thực tế, ngày 18/5 vừa qua, một chiếc xe siêu trường siêu trọng chở theo cánh quạt gió phục vụ cho một dự án điện gió tại Quảng Trị đã bị lật trên Quốc lộ 1A đoạn qua Thanh Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Rất may không có thương vong về người. Được biết chiếc xe và cánh quạt gió hư hỏng nặng.

xe siêu trường siêu trọng

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, đơn vị thực hiện vận chuyển cánh quạt gió gặp sự cố này là Công ty Vận tải Đa phương thức - Vietranstimex, có trụ sở tại Đà Nẵng. Đầu kéo có biển kiểm soát 15C - 165.47 và rơ moóc có biển kiểm soát 51R-202.40.

Cánh quạt gió này dài khoảng 72-74 m. Giá thành sản xuất vào khoảng 200.000 USD/chiếc. Các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này cũng cho hay, nguyên tắc hỏng 1 cánh là phải mua mới 3 cánh vì ở nhà máy trước khi xuất xưởng đã phải làm thử nghiệm cân bằng động cho cả bộ 3 cánh. Với trường hợp hỏng kiểu này, nếu nhà sản xuất có hàng sẵn ở xưởng và có sẵn chuyến tàu thì mất khoảng 5 tuần là có cánh thay thế. 

xe siêu trường siêu trọng

Cánh quạt gió hư hỏng nặng

Và cũng cần có các thiết bị chuyên dụng, siêu trường, siêu trọng mới có thể vận chuyển được nên chi phí của 1 chiếc cánh quạt gió khi hoàn tất lắp đặt lên tới khoảng 8 tỷ đồng.

Để vận chuyển được các linh kiện điện gió cần các thiết bị đặc chủng chuyên dụng bao gồm 2 phần: Đầu kéo chuyên dùng có sức kéo và công suất lớn và sơ mi rơ mooc (hay gọi là Trailer) có nhiều trục, hoặc có khả năng rút dài để tải trọng hàng dàn đều lên mặt đường và cầu trong quá trình di chuyển.

Hiện nay Việt Nam chưa có quy chuẩn hay tiêu chuẩn gì cho lái xe siêu trường siêu trọng, tiêu chuẩn cao nhất là bằng FC. 

Vì vậy, để đảm bảo ổn định công trình cầu trên tuyến và an toàn cho người, phương tiện, hàng hóa trong quá trình vận chuyển, đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi cấp phép lưu hành xe phải yêu cầu chủ đầu tư, doanh nghiệp vận tải có đánh giá an toàn về kiểm định, thử tải… để kiểm tra các công trình trên tuyến cho từng chuyến hàng vận chuyển, không dùng kết quả đánh giá lần 1 cho nhiều chuyến vận chuyển vì sẽ không đảm bảo an toàn cho các công trình cầu.

Đối với các giấy phép lưu hành cho tổ hợp xe vận chuyển thiết bị điện gió mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấp cho các đơn vị vận tải đang còn hiệu lực sau ngày 15/6, Cục Quản lý Đường bộ II đề nghị tạm thu hồi giấy phép lưu hành và yêu cầu chủ đầu tư, doanh nghiệp vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn có năng lực bổ sung đầy đủ thực hiện công tác thẩm định đối với việc vận chuyển hàng siêu trọng theo quy định rồi mới tiếp tục cho các phương tiện lưu hành trở lại.