UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch về tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.
Theo đó, kế hoạch cũng nêu rõ 8 mục tiêu về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong giai đoạn đến năm 2025.
Cụ thể, có ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Thành phố cũng hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương; bảo đảm ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định; triển khai 1-2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp…
Trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thành phố phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 105-110 lít/người/ngày; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt ít nhất 70%; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện nội dung trên. Đặc biệt là tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn, bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phấn đấu đưa vùng nông thôn của Thủ đô trở thành nơi đáng sống.
UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch; triển khai lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, dự án của cơ quan, đơn vị để thực hiện chương trình; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện kế hoạch này...
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch tại địa phương theo đúng quy định. Đồng thời khuyến khích, thu hút và phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tại địa phương trong việc thực hiện các nội dung của kế hoạch.
Đẩy nhanh việc cấp nước sạch tập trung cho người dân
Theo tổng hợp từ Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP. Hà Nội hiện tại đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm khoảng 735.000 m3/ngày đêm tại 16 nhà máy và một số trạm sản xuất nước cục bộ; nguồn nước mặt khoảng 795.000 m3/ngày đêm tại 5 nhà máy nước mặt.
Về mạng lưới cấp nước, khu vực đô thị đã được phủ kín với tỉ lệ cấp nước đạt 100%; trong khi đó, khu vực nông thôn mới có 274/413 xã được cấp nước sạch. Các khu vực nông thôn còn lại hiện nay sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước cục bộ và nguồn nước do hộ gia đình tự khai thác sử dụng (nguồn giếng khoan, giếng đào, nước mưa, sông, suối, ao hồ…).
Đến hết năm 2022, mới có 6/11 dự án nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP, đạt 1.530.000 m3/ngày đêm. Dự kiến trong năm 2023 hoàn thành thêm Nhà máy Nước Phú Sơn (huyện Ba Vì) giai đoạn 2. Còn lại các dự án đang triển khai, gồm: Nhà máy Nước mặt sông Hồng; Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn II (hợp phần 2); Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì; Nhà máy Nước Xuân Mai tại Hòa Bình.
Qua giám sát của Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội, toàn TP. Hà Nội đang tồn tại danh mục 119 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Trong đó, 98 công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 21 công trình dùng 100% vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp.
Qua kiểm tra của Thanh tra TP. Hà Nội đối với 98 công trình có sử dụng vốn ngân sách, đã thu thập được hồ sơ của 92/98 công trình (trong đó 67/92 công trình về cơ bản có đủ hồ sơ; 25/92 công trình hồ sơ cung cấp không đầy đủ; còn 6/98 công trình chủ đầu tư chưa cung cấp được hồ sơ).
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, do các công trình đầu tư từ lâu (từ năm 1994 đến 1998) và do cán bộ quản lý hồ sơ về hưu, chuyển công tác nên đến nay hồ sơ đã thất lạc, không lưu giữ được.
Về tình trạng, hiện có 70/98 công trình đang hoạt động; 9/98 công trình đầu tư dở dang, không đủ điều kiện đưa vào hoạt động; 19/98 công trình sau khi đầu tư đã đi vào hoạt động, tuy nhiên đến thời điểm kiểm tra đã dừng hoạt động.
Nguyên nhân, sau thời gian đầu sử dụng nước miễn phí, đến khi phải đóng tiền thì người dân địa phương không tiếp tục dùng nước; hoặc do số lượng các hộ dùng nước ít, số thu tiền nước không đủ chi phí, dẫn đến công trình buộc phải ngừng hoạt động...
Theo đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội, để sớm hoàn thành việc cấp nước sạch tập trung cho người dân Thủ đô, ngoài đẩy nhanh các dự án cấp nước theo quy hoạch, thì ở khu vực không thể đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung (khu vực khó khăn, địa hình đồi gò, dân cư thưa thớt tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ), TP. Hà Nội giao các huyện nghiên cứu dự án cấp nước cho các khu vực bằng nguồn ngân sách và đề xuất cơ chế quản lý vận hành sau đầu tư.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6944128462313517/