Ngọc Trang ·
1 năm trước
 3061

Vì sao một số doanh nghiệp chưa mặn mà áp dụng công cụ cải tiến năng suất?

Các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, có một thực tế là không ít doanh nghiệp vẫn chưa hào hứng với việc áp dụng các hệ thống và công cụ này.

Hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế. Ảnh minh họa.

Hiện nay, một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh là áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC,...

Các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Tuy nhiên, dù việc triển khai xây dựng, áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp áp dụng không thành công, không mang lại kết quả như mong đợi hoặc chưa thực sự “mặn mà” khi áp dụng hệ thống quản lý và công cụ này.

Có nhiều cách lý giải về nguyên nhân của vấn đề nêu trên. Theo một chuyên gia về năng suất của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), một trong những nguyên nhân là do lãnh đạo chưa thực sự muốn thay đổi, sức ì tâm lý quá lớn dẫn đến việc thay đổi bằng lời nói nhưng hành động vẫn theo guồng cũ.

Lựa chọn đúng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến là bước quan trọng doanh nghiệp cần lưu ý. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, có đến hàng chục hệ thống quản lý, công cụ cải tiến khác nhau, doanh nghiệp thường cảm thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, không biết lựa chọn cái gì. Bởi vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp phải chọn đúng phương pháp và có lộ trình cụ thể.

Ở một góc nhìn khác, bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, vì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ) trong vị thế là doanh nghiệp gia công cho đơn hàng nước ngoài nên không ít doanh nghiệp sẽ không có động lực áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nếu đối tác nước ngoài không yêu cầu họ cải tiến theo tiêu chuẩn sản phẩm của doanh nghiệp mẹ.

Theo bà Thùy, bài toán “thoát cảnh gia công, lắp ráp” đã được chúng ta đặt ra từ lâu, nhưng lựa chọn sự thay đổi, hướng phát triển cốt yếu vẫn là do bản thân từng doanh nghiệp thích nghi và sáng tạo.