Quá khả năng chi trả
Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội đợt 1 tại dự án Nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc nhóm nhà ở Đông Nam, đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (NHS Trung Văn) từ ngày 28/3. Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn được mở bán lần đầu với giá gần 20 triệu đồng một m2 - mức cao nhất từ trước đến nay.
Phối cảnh Nhà ở xã hội NHS Trung Văn. (Ảnh ITN)
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 2.700 m2 với 32 tầng nổi, 2 tầng hầm. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS với tổng mức đầu tư hơn 570 tỷ đồng.
Dự án gồm 275 căn hộ, trong đó 225 căn nhà ở xã hội và 50 căn thương mại. Tại đợt đầu tiên, số căn hộ nhà ở xã hội mở bán là 157 và 68 căn cho thuê.
Theo thông báo của Sở Xây dựng, giá thuê căn hộ khoảng 99.000 đồng/m2/tháng. Còn giá bán là hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2. Đây là mức giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Trước đây, mức giá được phê duyệt thường từ 13 đến 17 triệu đồng mỗi m2.
Như vậy, để sở hữu căn nhỏ nhất (diện tích 69,9 m2) tại dự án NHS Trung Văn, người mua cần bỏ ra khoảng 1,39 tỷ đồng và 1,52 tỷ đồng cho căn lớn nhất (diện tích 76,8 m2. Khách hàng sẽ được ký hợp đồng mua bán trong quý II,III năm nay và dự kiến nhận nhà vào đầu năm 2025. Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua dự án này từ nay đến hết 11/5.
Được biết một số dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng giá cũng không hề rẻ như: dự án nhà ở xã hội ở Kiến Hưng hiện tại giá bán đều ngoài 20 triệu đồng/m2, The Vesta Phú Lãm giá giao dịch cũng khoảng 24 triệu đồng/m2; nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm xấp xỉ 30 triệu đồng/m2.
Giải pháp nào để khơi thông?
Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án đến năm 2030 xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đáng chú ý hơn nữa khi gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là nguồn vốn ưu tiên để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được thông qua. Các dữ liệu này cho thấy kỳ vọng về việc giải bài toán “an cư” cho hàng triệu người thu nhập thấp nhưng liệu nhà ở xã hội có được khơi thông thời gian tới?
Xoay quanh vấn đề này, các chuyên gia cho rằng dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chia sẻ: thị trường nhà ở xã hội đã sôi động trở lại trong 2 năm qua, tuy nhiên cũng còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư, thị trường nhà ở xã hội gặp khó khăn, thách thức. Đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu và cách tiếp cận. Nhà ở xã hội là câu chuyện từ thiện, rẻ mạt, có cũng như không. Đây là quan điểm sai lệch, cần thay đổi.
Bên cạnh đó là vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi, quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu vừa thừa", giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn, nguồn vốn chưa bền vững, lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về nhà ở xã hội, trong đó điểm nghẽn về xác định đối tượng nhà ở xã hội.
Theo ông Châu, chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.
Ông Châu cũng cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở hiện nay bổ sung nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp nhưng thiếu nhà lưu trú nằm ngoài khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà trọ cho công nhân, người lao động là rất lớn nhưng đối tượng này chưa được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cần phải được ưu tiên trong thời gian tới là quan điểm của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam. “Chúng ta đã xây dựng đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội nhưng để khơi thông cho nhà ở xã hội Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất, tạo lập nguồn vốn bền vững, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội và ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội. Cùng với đó, về xác định giá bán nhà ở xã hội nên tập trung theo phương án chủ đầu tư xác định qua kiểm toán nếu có sai phải đền bù người mua”, ông Nghiêm góp ý.
Tuy vậy, trên thực tế, những thông tin về nhà ở xã hội vẫn khó tiếp cận đến một số nhóm đối tượng trong 10 đối tượng được mua NƠXH theo quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở 2014. Chẳng hạn như nhóm người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị (Đối tượng 4); người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (Đối tượng 5); hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở (Đối tượng 10). Bởi những nhóm đối tượng này có đặc điểm có thể tiếp xúc hoặc hiểu về chính sách nhà ở không thuận lợi như các nhóm đối tượng khác để nắm bắt được thông tin, không hiểu đầy đủ để tham gia…
Để tháo gỡ nút thắt mang tên nhà ở cho người thu nhập thấp, theo các chuyên gia bất động sản thì rất cần sự chung tay và sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Theo đó, chính quyền địa phương, nhất là các cơ quan Ban, ngành cần quyết liệt hơn trong cải cách các thủ tục hành chính. Đồng thời, có cơ chế phù hợp để tạo quỹ đất sạch; tháo nút thắt về thuế, thời hạn về vay vốn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Trên cơ sở đó, đưa ra mức giá thuê, mua phù hợp với thu nhập của người dân. Không chỉ vậy, cần đồng bộ hóa các giải pháp tạo việc làm, ổn định thu nhập, hoàn thiện các điều kiện hạ tầng tương ứng… để đảm bảo hiệu quả của dự án nhà ở thu nhập thấp.