Thuốc Kovir giá cao gấp 4 lần trước khi Bộ Y tế ra công văn công bố 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19?
Mới gần đây, Bộ Y tế vừa có Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Trong đó, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo Công văn 5944, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19.
12 loại thuốc gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovir; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Viên nang Imboot; Xuyên tâm liên và Viên nang Nasagast - KG. Sau thông tin Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc kể trên, người dân đã đổ đi mua về dự phòng.
Theo ghi nhận từ Báo Lao Động, chỉ trong 1 ngày, đa số các hiệu thuốc đã hết những loại thuốc này. Tại chợ thuốc Hapulico, một người thường xuyên nhập hàng nói rằng, hiện tại các đơn vị cung cấp tại chợ cũng không còn một số loại thuốc như viên nang Kovir hay Xuyên tâm liên vì người dân đã mua hết và không còn hàng để bán.
Có một điều đáng lưu ý là, tại phụ lục Công văn 5944, phần phụ lục Hướng dẫn sử dụng ở mục Phòng và hỗ trợ điều trị có nhắc đến loại thuốc Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương với phần hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, liều dùng.
Trước đó, trên các trang web bán thuốc, viên nang Kovir – giúp tăng sức đề kháng hô hấp chỉ có giá 250.000 đồng, thế nhưng gần đây giá thuốc tăng đột biến lên 1.000.000 đồng
Được biết, sản phẩm này có từ năm 2017, khi mà chưa có dịch COVID-19. Văn bản xác nhận công bố sản phẩm Kovir do Cục trưởng cục an toàn thực phẩm ký ngày 31/07/2017. Trước đó, trên các trang web bán thuốc, viên nang Kovir – giúp tăng sức đề kháng hô hấp chỉ có giá 250.000 đồng.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội đã lan truyền bức ảnh thông báo của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cập nhật giá mới của sản phẩm viên nang Kovir có giá 1.000.000 đồng.
Thông báo của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cập nhật giá mới của sản phẩm viên nang Kovir có giá 1.000.000 đồng
Tìm hiểu cụ thể thấy rằng, ngày 19/7/2021, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đột ngột ra văn bản thông báo tăng giá viên nang cứng Kovir lên tới 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên; viên nang mềm hộp 5 vỉ có giá 1.250.000 đồng áp dụng từ 19/7/2021 (Lao Động đưa tin).
Một số dược sĩ tại các cửa hàng thuốc trên địa bàn Hà Nội cũng xác nhận rằng việc giá thuốc tăng không phải do các hiệu thuốc tăng mà là công ty tự ý điều chỉnh. "Không chỉ có viên nang Kovir, các loại thuốc khác như Xuyên Tâm Liên giá cũng tăng cực kỳ cao, đã lên đến vài trăm nghìn một hộp. Giá thuốc tăng là do các công ty tăng giá. Chúng tôi nhập về được chiết khấu 5 đến 10%, lãi ở đó mà ra, không phải chúng tôi tự tăng giá" - người đứng quầy 1 cửa hàng trên đường Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) cho hay.
Ngay lập tức, không ít người dân đã thắc mắc vì sao thuốc lại tăng giá ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản công bố 12 loại thuốc YHCT có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19? Thật khó tin rằng đây là một sự trùng hợp!
Giá thuốc đã bị "đội" lên từ 4 - 5 lần, sau công bố của Bộ Y tế, giá thuốc bắt đầu "nhảy múa" nhưng vẫn cháy hàng. Nhiều người mua về phòng Covid-19 tại nhà và xuất hiện tình trạng đầu cơ tích trữ. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của Quản lý thị trường và Bộ Y tế như thể nào trong câu chuyện này?
Việc tăng giá đột ngột trong khu nhu cầu thị trường tăng cao phải chăng có dấu hiệu trục lợi giữa đại dịch COVID-19? Quản lý thị trường sẽ vào cuộc và xử lý tình trạng này như thế nào?
Lập lờ thông tin "Hỗ trợ điều trị Covid-19", có dấu hiệu trục lợi hay không?
Chưa hết, người dùng còn cảm thấy hoang mang khi thông tin công dụng thuốc dễ gây hiểu lầm.
Khi dịch COVID -19 bùng phát, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: Hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị COVID-19.
Ngay tại bảng giá của Sao Thái Dương mặc dù không hề nhắc đến Covid-19 nhưng có ghi công dụng: Hỗ trợ phòng và điều trị sớm các bệnh do virus gây ra… dùng cho trường hợp F1, giúp giảm nguy cơ F1 thành F0. Liều đủ dùng là 15 ngày.
Quảng cáo thuốc ngăn F1 thành F0 của Sao Thái Dương. Ảnh chụp văn bản đóng dấu đỏ của Tổng Giám đốc Sao Thái Dương
Vậy câu hỏi đặt ra là thông tin quảng cáo kể trên có đúng sự thật? Biết rằng, ngày 14/9/2020, trang web của Cục An toàn thực phẩm, Bộ y tế đã đăng thông tin cảnh báo, trong đó khẳng định: “Thông tin hỗ trợ điều trị COVID-19 của Kovir là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị COVID-19".
Và với thành phần được chiết xuất từ các dược liệu như sài hồ, phục linh, đảng sâm, tiền hồ, cát cánh, xuyên khung, cam thảo,... và công dụng chỉ là "nâng cao sức đề kháng" thì tại sao Kovir lại có giá cả triệu đồng mỗi hộp?
Và tại sao doanh nghiệp lại đột ngột tăng giá chỉ vài ngày trước khi công văn 5944 của Bộ Y tế ban hành mà trong đó đề cập Kovir là loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19? Dù sau đó, vào ngày 26/7, Bộ Y tế đã thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT kể trên với lý do "một số nội dung chưa phù hợp", nhưng người dân vẫn đổ xô đi mua bất chấp công ty đã tăng giá gấp 4 lần chỉ sau vài ngày.
Công văn của Bộ Y tế đã ban hành rồi lại nhanh chóng thu hồi, giá thuốc nhảy múa sau vài ngày lọt "top" 12 loại thuốc được Bộ Y tế khuyến nghị sử dụng. Trong câu chuyện này có dấu hiệu của hành vi bắt tay trục lợi hay không? Nếu có, hãy điều tra và xử lý.
Còn nếu Bộ Y tế cho rằng thu hồi công văn với lý do "một số nội dung chưa phù hợp" thi hi vọng Bộ Y tế có thể giải thích rõ ràng cho người dân rằng chưa phù hợp ở đâu? Lỗi đánh máy hay sai tên thuốc, để những người đã mua thuốc theo khuyến nghị yên tâm sử dụng thuốc.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh căng thẳng, rất nhiều người đã dùng những đồng tiền ít ỏi để mua những sản phẩm này theo khuyến nghị của Bộ Y tế, hy vọng có thể phòng và điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, công văn đã công bố lại thu hồi, điều này gây hoang mang cho nhiều người, lo lắng rằng mất nhiều tiền mua thuốc nhưng không đúng như tác dụng.
Trục lợi dựa trên sợ hãi của người dân khi dịch bệnh là hành vi bất nhẫn, nếu trong câu chuyện giá thuốc đột ngột tăng gấp nhiều lần trong khi nhu cầu tăng cao có dấu hiệu trục lợi, thì xin cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh, để những hành vi trên không tái diễn thêm 1 lần nào nữa!