Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Đức do Nghị sĩ, tiến sĩ Schafer dẫn đầu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khẳng định, CHLB Đức là đối tác truyền thống lâu năm và là một trong những đối tác phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện nhiều dự án nhất trong lĩnh vực môi trường.
Một trong những nội dung trọng mà Thứ trưởng nhấn mạnh đó là giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng để giảm phát thải, thực hiện mục tiêu đã cam kết tại COP26, giải quyết các vấn đề về môi trường như rác thải nhựa, ô nhiễm không khí.
CHLB Đức và Bộ TN&MT đã mở rộng mối quan hệ hợp tác thông qua việc triển khai các dự án cụ thể ở các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (VN-SIPA) đã hỗ trợ rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để gửi cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Dự án cũng đã hỗ trợ rà soát, cập nhật Chương Ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thực thi công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành trao đổi với Đoàn Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Đức do Nghị sĩ, tiến sĩ Schafer.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong năm 2020, Bộ TN&MT xây dựng Báo cáo Đánh giá tác động chính sách (PIA) về quy định quản lý cảnh quan thiên nhiên trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực quản lý rác thải nhựa đại dương, hiện nay Bộ TN&MT đang triển khai Dự án Giảm thiểu Rác thải Nhựa đại dương tại Việt Nam do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức tài trợ thông qua WWF.
Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT đang phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang (BGR) phối hợp triển khai Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất, gắn với điều kiện địa chất - địa chất thủy văn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Với những kết quả hợp tác này, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rộng mở, khi Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế - bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã thông qua Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vào cuối năm ngoái. Với JETP, Việt Nam là một trong ba nước trên thế giới tiên phong thực hiện. Do vậy, CHLB Đức có thể hỗ trợ để xây dựng mô hình chuyển đổi năng lượng, với các cơ chế có thể áp dụng cho toàn cầu sau này.
Ông Schafer cho biết, trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, Đoàn sẽ tới thăm đồng bằng sông Cửu Long và sẽ có các khuyến nghị cụ thể về tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu. Ông Schafer cũng thông tin, phía Đức cũng quan tâm tới việc hợp tác với Bộ TN&MT trong vấn đề giảm rác thải nhựa đại dương, giảm ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng. Với các vấn đề này, chỉ có đi cùng nhau, chúng ta mới thành công” – ông Schafer nói.
Tại Việt Nam, triển khai hành động ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng xanh được xác định là con đường tất yếu của sự phát triển bền vững.
Trước đó, tại Hội thảo: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp", TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng cao.
Vì thế nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Cùng với đó, do sự phát triển nhanh kèm theo sử dụng một lượng lớn năng lượng, vì thế phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng lượng phát thải của Việt Nam năm 2010 và dự ước sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045 tương ứng.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon (Net-zero) vào năm 2050.
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong những năm vừa qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam (78121 MW), trong đó điện gió 4.126 MW, điện mặt trời mái nhà 7.660 MW, điện mặt trời trang trại 8.904 MW, thủy điện 22.111MW, điện sinh khối 325 MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Về điện mặt trời, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất. |