Thanh Tâm ·
1 năm trước
 6875

Việt Nam cần thêm 240.000 tỷ để đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt

Trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến cần thêm 240.000 tỷ để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm đảm bảo vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050 dự kiến là khoảng 26.000 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 là hơn 16.000 ha.

Kế hoạch cũng chỉ rõ huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư kèm theo quyết định này. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch.

Giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2030.

Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai lập quy hoạch đối với các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030. Bao gồm: 3 quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.Hà Nội, khu vực đầu mối TP.HCM và khu vực đầu mối TP.Hải Phòng; quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long); quy hoạch các ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế (trừ các ga đã có trong quy hoạch các khu đầu mối TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Hải Phòng); các tuyến đường sắt đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư được cập nhật thành quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (Tuyến TP.HCM - Cần Thơ, ...).

Đối với đường sắt hiện có, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến, ga đường sắt trên các tuyến đường sắt hiện có đã được xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; các dự án bảo đảm an toàn giao thông (xây dựng các đường ngang, hầm chui, xóa lối đi tự mở,... theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Đối với đường sắt mới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án); tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện); xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Theo kế hoạch được phê duyệt, mục tiêu xây dựng lộ trình triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt giai đoạn đến năm 2030 để cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và xây dựng các tuyến đường sắt mới theo quy hoạch, dự kiến nhu cầu sử dụng đất; cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí nguồn lực đầu tư phát triển, quản lý, bảo trì, khai thác mạng lưới đường sắt.

Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm đảm bảo vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, trong quý I/2023, các chỉ tiêu chủ yếu vận tải hành khách đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022. 

Doanh thu vận tải hành khách đạt khoảng 300 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 200%, sản lượng hành khách đạt hơn 800.000 người, tăng trưởng khoảng 200% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, tàu khách Thống nhất doanh thu tăng trưởng 150%, tàu khách khu đoạn doanh thu tăng trưởng “kỷ lục” hơn 650%.

Tương tự, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đạt kết quả cao. Theo đó, sản lượng hành khách đạt hơn 660.000 người, tăng trưởng khoảng 136% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu vận tải hành khách đạt hơn 360 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 147%. Trong đó, tàu khách Thống nhất doanh thu tăng trưởng khoảng 128%, tàu khách khu đoạn doanh thu tăng trưởng khoảng 190%.