Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Năng lượng đang triển khai nghiên cứu tiềm năng sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo và việc sử dụng hydro xanh ở Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong năm 2022, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng, đòi hỏi các giải pháp sáng tạo để đảm bảo an ninh năng lượng. Hiện, năng lượng ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ than đá chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của Việt Nam vào năm 2030. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã phát triển mạnh, trong đó công suất năng lượng mặt trời và gió tăng gấp bốn lần từ năm 2019.
UNDP và Viện Năng lượng vừa tổ chức hội nghị tham vấn đánh giá tổng thể sản xuất hydro xanh và tiềm năng ở Việt Nam (ảnh: H.L)
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mới đây, Việt Nam, các nước G7, Châu Âu, Đan Mạch và Na Uy đã ký kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với cam kết ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD sẽ được huy động để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu giảm 30% lượng phát thải cao nhất hàng năm từ ngành năng lượng, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện từ 36% lên ít nhất 47% vào năm 2030…
Trong quá trình này, sản xuất hydro xanh cần được lưu tâm thực hiện. Đây là phương pháp sản xuất nhiên liệu hydro thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng điện từ năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, theo đó quá trình điện phân được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy. Công nghệ này có thể giảm đáng kể lượng phát thải các bon và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, đẩy nhanh chuyển đổi sang năng lượng xanh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, sản xuất và sử dụng hydro xanh là lĩnh vực mới đối với Việt Nam nhưng đây được xem như nguồn năng lượng thế hệ mới, nguồn năng lượng thay thế tối ưu trong tương lai gần. Việc sản xuất hydro xanh và các chất mang năng lượng như amoniac cùng với các nhà máy năng lượng tái tạo có thể đáp ứng một phần nhu cầu của Việt Nam cho phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp, lọc hoá dầu, phát điện, tích trữ năng lượng qua pin tích năng, pin nhiên liệu, luyện kim, điện tử, y tế,…
Ông Lê Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhất là tại các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ với điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nước. Đây là cơ sở để sản xuất hydro xanh và cung cấp cho các ngành kinh tế, công nghiệp lân cận.
Hydro xanh rất hữu ích trong việc chống lại biến đổi khí hậu vì có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các ứng dụng mà quá trình khử carbon phức tạp như vận tải hàng hải, hàng không hoặc các quy trình công nghiệp nhất định. Hơn nữa, có tiềm năng lớn như một hệ thống lưu trữ năng lượng theo mùa (dài hạn), có thể tích lũy năng lượng trong một thời gian dài, sau đó sử dụng theo nhu cầu.
Theo kịch bản xây dựng sản xuất hydro xanh từ tiềm năng năng lượng tái tạo, đến năm 2030 khoảng 15,04 triệu tấn hydro xanh; năm 2050 khoảng 18,78 triệu tấn. Hiện nay, đã có một số công ty, tập đoàn quan tâm đến lĩnh vực năng lượng trung gian này và dự định xây dựng nhà máy điện phân đầu tiên tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.