Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người. Con số này tăng 6,5% so với tháng trước và gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng đầu tiên ngành du lịch đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế tính từ khi mở cửa vào tháng 3 năm ngoái.
Tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước và tương đương 83% kế hoạch năm 2023.
Với việc đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng, nhiều khả năng ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm.
Trong số khách quốc tế trên, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng qua với gần 1,9 triệu lượt (chiếm gần 1/3 lượng khách). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 738.000 lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 445.000 lượt.
Khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Top 10 thị trường hàng đầu vẫn ghi nhận những cái tên từ khu vực Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Trung Quốc (738.000 lượt khách), Đài Loan (415.000 lượt), Nhật Bản (284.000 lượt); khu vực Đông Nam Á có 3 thị trường: Thái Lan (290.000 lượt); Malaysia (262.000 lượt); Campuchia (225.000 lượt). Australia xếp ở vị trí thứ 9 với 221.000 lượt khách tới Việt Nam. Thị trường mới nổi Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 10 (213.000 lượt).
Thị trường châu Âu, khách du lịch đến từ Anh đạt 147.500 lượt, Pháp (120.800 lượt) và Đức (111.800 lượt) là các thị trường gửi khách lớn nhất. Thị trường Nga dù rất khó khăn nhưng cũng đã đạt 69.900 khách.
Cũng theo tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google tăng trưởng ở mức 10%-25% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 6, xếp vị trí thứ 7 trên thế giới. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu đi du lịch Việt Nam.
Cụ thể, trong TOP 10 thị trường quốc tế tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam có Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam đại diện cho các khu vực Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Tây Âu, Đông Nam Á.
Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón ít nhất 8 triệu khách quốc tế trong năm nay. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tăng tốc phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, đặc biệt là du lịch quốc tế. Nhiều đột phá về thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực cũng vừa được Quốc hội thông qua. Những thay đổi trong chính sách này được kỳ vọng sẽ thu hút một lượng lớn du khách quốc tế đến với Việt Nam.
Theo đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Ngoài ra, việc kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần, cùng với nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày chắc chắn sẽ là điều kiện tốt để du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, lưu trú lâu hơn, biết đến nhiều danh lam, thắng cảnh của đất nước và đặc biệt là chi tiêu nhiều hơn.
Theo các doanh nghiệp du lịch, sự linh hoạt và dễ dàng hơn trong quy trình cấp visa cùng hoạt động quảng bá và tăng cường chuyến bay quốc tế sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu này. Điển hình như Ấn Độ, sau khi Việt Nam đưa ra chính sách cấp evisa cho công dân nước này, thị trường khách này từ vị trí thứ 8 đã vươn lên trở thành thị trường quốc tế có lượng đặt phòng lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc.
Trong khi đó, khách nội địa tháng 7/2023 đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. |