Chiến Chiến ·
1 năm trước
 7327

Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank?

Mới đây, thông tin Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ đã gây ra một cơn hoảng loạn trong cộng đồng đầu tư mạo hiểm. Động thái nâng lãi suất của Fed được cho là nguồn cơn của sự sụp đổ này. Từ đó dấy lên lo ngại, liệu sự việc này có gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng hay không?

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhìn chung cũng sẽ có tâm lý lan truyền về sự sụp đổ, có thể Silicon Valley Bank không phải là ngân hàng duy nhất ở Mỹ đang gặp khó khăn, do xu hướng đầu tư trái phiếu của các ngân hàng ở Mỹ rất nhiều. Đây là điều không tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư mà gây ra tình trạng này.

Vào năm 2007-2009, sau cuộc khủng hoảng về ngân hàng, mọi quy định về ngân hàng không thay đổi trên toàn thế giới và đặc biệt là ở Mỹ, khả năng xảy ra sự sụp đổ tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian. Cũng vì không thay đổi những quy định về kiểm soát rủi ro, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank là một dấu hiệu cảnh báo khả năng về cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra. Nhiều khả năng có thể mang lại hiệu ứng domino ở Mỹ.

Nguồn ảnh: Internet.

Sự việc tại SVB lần này cũng tương tự giai đoạn 2007-2009, có thể nó cũng sẽ tác động đến Việt Nam nhưng sẽ có độ trễ hơn.

Tại Việt Nam, hiện nay các ngân hàng cũng đang gặp tình trạng tương tự khi vẫn huy động vốn ngắn hạn để mua trái phiếu. Những ngân hàng đang đứng đầu bảng về huy động lãi suất hiện nay đều là những ngân hàng đang kinh doanh trái phiếu nhiều. Chính vì kinh doanh trái phiếu nhiều nên khi người dân rút tiền ngắn hạn sẽ gây ra việc mất thanh khoản của các ngân hàng này và buộc họ phải nâng lãi suất lên để huy động vốn. Từ đó kéo theo cuộc đua lãi suất như hiện nay.

Nếu như Silicon Valley Bank sụp đổ thì khả năng các ngân hàng Việt Nam cũng có thể tiếp bước, tuy nhiên trường hợp tại Việt Nam thì hy vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đứng ra giải cứu, chứ không để như trường hợp của Mỹ.

Bên cạnh đó, việc đáo hạn trái phiếu sẽ vẫn là gánh nặng đối với các ngân hàng nhỏ. Trong thời gian qua, các ngân hàng phiêu lưu với câu chuyện trái phiếu bất động sản, vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Nếu như không đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng được thị trường bất động sản sẽ thì sẽ gây ra sự sụp đổ, giống giai đoạn năm 2007-2009 ở Mỹ (cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc cho vay dưới chuẩn của thị trường bất động sản).

Được biết, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu phần lớn không có tài sản đảm bảo, nếu có thì trong thời điểm hiện tại các tài sản này cũng gặp khó về thanh khoản do thị trường bất động sản đóng băng. Về bản chất việc này cũng là một hình thức cho vay dưới chuẩn. Có thể thấy, rủi ro rất lớn đối với lượng trái phiếu này. Nếu thị trường trái phiếu bất động sản sụp đổ, khả năng sụp đổ domino là có thể xảy ra cho toàn hệ thống tài chính của Việt Nam.

Ngoài ra, việc sụp đổ của Silicon Valley Bank cũng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc lại về việc nâng lãi suất theo nữa hay không. Fed có thể sẽ đánh giá lại rủi ro của hệ thống ngân hàng Mỹ hiện tại, nếu quá nhiều ngân hàng đang gặp tình trạng tương tự, việc tăng lãi suất sẽ gây ảnh hưởng đến các ngân hàng này.

Trước đó, nhà quản lý quỹ đầu cơ Bill Ackman cho hay, ở thời điểm này rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi sẽ làm các ngân hàng có mức an toàn vốn thấp sẽ đối mặt với nguy cơ bị rút tiền ồ ạt và sụp đổ sau đó. Hiệu ứng domino sẽ xảy ra.

Ngân hàng có 40 năm hoạt động tại Mỹ - Silicon Valley Bank gây sốc khi cuối ngày 08/03 thông tin cần huy động 2.25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. SVB sụp đổ nhanh chóng chỉ trong 48 giờ chính là hậu quả của đợt tăng lãi suất mạnh nhất 4 thập kỷ qua nhằm ngăn chặn lạm phát của Fed.

Được biết, khi các khách hàng startup rút tiền gửi để duy trì hoạt động trong môi trường IPO và huy động vốn tư nhân bị đóng băng, SVB bắt đầu nhận ra tình trạng thiếu vốn. SVB buộc phải bán tất cả trái phiếu sẵn sàng để bán với khoản lỗ 1.8 tỷ USD.

Kết quả, khách hàng đã rút một khoản tiền gửi đáng kinh ngạc là 42 tỷ USD tính đến cuối ngày 09/03, theo một hồ sơ công khai. Theo cơ quan quản lý, vào cuối ngày hôm đó, SVB có số dư tiền mặt là âm 958 triệu USD, và không thể huy động đủ tài sản thế chấp từ các nguồn khác.

Ngày 10/03, Silicon Valley Bank bị buộc phải dừng hoạt động và trở thành ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.