Bùi Anh ·
2 năm trước
 8193

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới

Rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng báo động đỏ, trở thành vấn đề cấp bách tại các nước Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu.

Rác thải nhựa đang là thách thức toàn cầu và gây ô nhiễm đại dương, bờ biển, sông ngòi và các tuyến đường thủy nội địa khác, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Chỉ riêng 6 trong 10 nước Asean, thải ra 31 triệu tấn rác nhựa trên biển mỗi năm. Vì vậy, đây là một thách thức rất lớn trong khu vực. Nhiều quốc gia đang có những nỗ lực rất quan trọng để giải quyết mối lo ngại này.

Thông tin được chia sẻ tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương” ngày 21/7 cho thấy, Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất trên thế giới.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tính trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần nhưng số lượng được xử lý là rất ít.

Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8% - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11% - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Trong khi đó, theo báo cáo “Nhựa: chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế năm 2021” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chỉ ra, việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn làm suy giảm nền kinh tế.

Chi phí xã hội, môi trường và nền kinh tế đối với nhựa được sản xuất trong năm 2019 là 3.700 tỷ USD, cao hơn GDP của Ấn Độ. Nếu không có hành động cấp thiết được triển khai, chi phí này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2040, tương đương 85% chi tiêu toàn cầu cho y tế trong năm 2018, cao hơn GDP của Đức, Canada, Australia cộng lại năm 2019.

Báo cáo của WWF cũng cho thấy, Chính phủ và người dân các quốc gia đang vô tình sa lầy vào hệ thống sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa gây ra vô số tác động tiêu cực đến con người và môi trường.

Trong đó rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng “báo động đỏ”, là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển.

Các nghiên cứu chỉ ra mẫu số chung, chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế cao hơn 10 lần so với giá trị thị trường của nhựa nguyên sinh.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhìn nhận, nếu không hành động ngay từ bây giờ dẫn đến giảm suy thoái môi trường, suy kiệt tài nguyên, cuộc sống con người sẽ bị đe dọa, điển hình là Covid-19, nhiệt độ tăng kỷ lục ở nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam cũng đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, nhận thức và nhu cầu của doanh nghiệp về sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa còn hạn chế. Bản thân doanh nghiệp chưa ý thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất bền vững và giảm thiếu rác thải nhựa thì việc triển khai xây dựng trên thực tiễn vẫn là một thách thức.

Đồng thời, để triển khai các mô hình sản xuất bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa thì việc áp dụng, nâng cấp các công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ xanh, tuần hoàn tiêu thụ ít tài nguyên, giảm phát sinh chất thải là rất cần thiết.

“Điều này liên quan mật thiết đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi kinh tế tuần hoàn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào các mô hình sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa”, ông Thọ nhấn mạnh.

Bùi Anh