Khánh Ly ·
3 năm trước
 1635

Việt Nam phát triển các công cụ kinh tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone

Tại tọa đàm trực tuyến “Từ dự thảo hạn ngạch carbon đến Quy hoạch điện VIII”, các chuyên gia cho hay việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone sẽ giúp Việt Nam phát triển các công cụ kinh tế quan trọng như trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.

Ngoài việc tăng ngân sách nước, mục tiêu chính vẫn là giảm phát thải một cách thực chất, chứ không chỉ là nhằm thực hiện các cam kết quốc gia.

Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến của các chuyên gia và tổ chức khoa học cho Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (dự kiến quy định chi tiết các Điều 92, 93 và 139 của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020), từ đó, đề xuất sửa đổi cho dự thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) sắp trình Thủ tướng vào ngày 15/6 tới.

Việc xây dựng quy định pháp lý sẽ giúp phát triển các công cụ kinh tế về giảm phát thải. (Ảnh minh họa)

Tại tọa đàm, bà Ngụy Thị Khanh – Đại diện Liên minh VSEA cũng đánh giá rằng đây là một nghị định cấp tiến và bắt kịp yêu cầu của thực tế và xu hướng trên thế giới. Đặc biệt là trong bản dự thảo đã nêu cụ thể đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ khí nhà kính là “các nhà máy điện có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên”.

Theo ThS Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh vai trò của các công cụ kinh tế như trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, ngoài việc tăng ngân sách Nhà nước, mục tiêu chính vẫn là giảm phát thải. Chính vì vậy, Nghị định này cần thể hiện nỗ lực giảm phát thải của các nhà máy giảm phát một cách thực chất, chứ không chỉ là nằm trên các cam kết.

Dự kiến, Châu Âu sẽ áp dụng thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu từ năm 2031. Điều này sẽ dẫn đến xung đột lợi ích khi các doanh nghiệp xuất khẩu bị đánh thuế nếu sử dụng điện sản xuất từ các nhà máy điện than. Đặc biệt, ngành nông sản Việt Nam – đạt 3,44 tỉ USD chiếm 9,2% thị phần kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU, ngoài việc bị ảnh hưởng về thuế cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường tại địa bàn có nhiệt điện.

Là chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy nhận định đơn vị phát thải cần phải là đối tượng trả thuế chứ không phải người nông dân sử dụng điện. Nếu người nông dân phải chịu thuế đó sẽ làm gia tăng chi phí cho họ và làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Thực tiễn chỉ ra, nhiều tổ chức ở Việt Nam đang dần tự chuyển dịch sang mô hình điện tự sản xuất tự sử dụng, phù hợp với xu hướng giảm phát thải trên thế giới. Điển hình như mô hình điện mặt trời tại các trang trại của Vinamilk hay như việc Samsung đề xuất được mua điện trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo không thông qua EVN.

Chuyên gia năng lượng – TS Ngô Đức Lâm cũng khẳng định Việt Nam sẽ không thiếu điện, thậm chí hiện nay về công suất còn đang thừa điện. Việc đóng bớt hay cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời là không cần thiết, vấn đề chính nằm ở cách thức điều độ cho hợp lý.

Hầu hết các ý kiến thống nhất, việc Nghị định Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone sớm được ban hành sẽ thắt chặt việc phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện, đẩy nhanh quá trình giảm phát thải tại Việt Nam nhằm đạt được cam kết trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định NDCs cũng như hướng đến mục tiêu cao hơn là phát thải bằng không vào năm 2050. Đặc biệt, VSEA cũng kiến nghị quan điểm này cần được thống nhất trong Quy hoạch điện VIII được trình Thủ tướng vào 15/6 tới đây.

Nguồn: