Xác định giá đất phù hợp thị trường
Hiện nay việc thiếu cơ sở dữ liệu đất đai thực tế nên Nhà nước đang thực hiện 5 phương pháp xác định giá đất. Tuy nhiên, thực hiện theo các phương pháp khác nhau lại cho giá đất khác nhau do dữ liệu đầu vào không chính xác. Trong vòng 5 năm tới sẽ có hệ thống định giá đất mới sau khi hoàn thiện bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, các nước trên thế giới thường mất 5-10 năm để xây dựng được bản đồ dữ liệu giá đất. Với Việt Nam, trong vòng 5 năm tới sẽ có hệ thống định giá đất mới.
Các nước trên thế giới thường mất 5-10 năm để xây dựng được bản đồ dữ liệu giá đất. Với Việt Nam, trong vòng 5 năm tới sẽ có hệ thống định giá đất mới. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Luật Đất đai 2003 đã xác lập định giá đất thông qua các phương pháp tiên tiến để tiếp cận, phù hợp với giá thị trường. Sau 10 năm, tới năm 2013, Luật đặt ra vấn đề áp dụng các phương pháp định giá đất theo 5 phương pháp định giá, như so sánh, thặng dư, thu nhập, chiết trừ và hệ số... Việc này nhằm xác định giá đất phù hợp với thị trường.
Tới Nghị quyết 18 của Trung ương đặt ra vấn đề "chính sách đất đai phải đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Thực tế, việc đưa ra khung giá đất là chủ trương đúng đắn, nhưng giá trên thị trường luôn thay đổi, biến động... trong khi khung giá đất được xác lập 5 năm một lần. Khi khung giá không thay đổi linh hoạt theo thị trường đã ảnh hưởng tới giá, giá đất chi tiết, và bảng giá đất. Do đó, phải tiến thêm một bước là phải xác định giá đất phù hợp thị trường hơn và áp dụng phương pháp để đưa ra bảng giá đất theo thị trường hơn.
Bảng giá đất hiện nay được giao cho địa phương xác định và khi có biến động giá đất thì địa phương sẽ quyết định điều chỉnh bảng giá đất.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ: "Chúng ta sẽ hướng tới việc xây dựng bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất, ở đó sẽ có những thông tin, dữ liệu về giá của tất cả các giao dịch thông qua sàn đấu giá, đấu thầu... Khi có bản đồ này, đây sẽ là giá thực, đầy đủ thông tin nhất về giá của từng thửa đất được giao dịch. Khi xây dựng được bản đồ dữ liệu thông tin giá đất, chúng ta sẽ áp dụng phương pháp để đưa ra giá trị trung bình trong thời điểm thị trường ổn định".
Bộ trưởng đồng thời cũng nhấn mạnh cần có chế tài để xử lý đối với trường hợp không khai báo, đăng ký giá đúng giá trị giao dịch trên thị trường.
Bộ trưởng Hà Khẳng định: "Quá trình từ cuộc Cách mạng lần thứ tư, đến nay thế giới đã chuyển sang cách mạng số. Đây là giai đoạn chúng ta quyết định, việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đất đai, gồm kinh tế đất đai, giá đất... đã xác định rõ trong Nghị quyết 18. Đây cũng là giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch".
Theo PGS.TS Ngô trí Long, Chuyên gia kinh tế, hiện tại việc định giá đất cụ thể áp dụng theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất và 4 phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư. Các phương pháp đang có sự chênh lệch về kết quả, đặc biệt đối với các loại đất có giá trị thương mại cao tại khu vực đô thị, khu vực đang đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, kéo dài, chưa đáp ứng kịp thời về tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất tại một số địa phương chưa tốt.
Đặc biệt, trình độ, năng lực thực hiện định giá đất của cán bộ định giá đất và của Hội đồng thẩm định giá còn hạn chế. Hội đồng thẩm định giá đất hoạt động kiêm nhiệm nên khó khăn về thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng. Mặt khác, do chưa có hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật định giá đất hàng loạt, các thẩm định viên gặp khó khăn khi tư vấn xây dựng bảng giá đất do các tỉnh, TP quy định.
PGS.TS Ngô trí Long cho biết: "Vấn đề cốt lõi, quan trọng đối với việc định giá đất, đó là xác định được giá trị của đất sát với giá thị trường. Ở các nước phát triển khi giá đất được công bố rộng rãi, mức độ sai lệch chỉ ở mức 5-7%. Trong khi đó, ở Việt Nam lại rất khác xa so với giá thị trường".
Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10/2022 và tháng 5/2023; dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 10/2023.
Tăng thêm tính khách quan trong việc quyết định giá đất
Quy định về xây dựng và ban hành Khung giá đất, được biết, bảng giá đất định kỳ 05 năm một lần bên cạnh mặt tích cực cũng tồn tại mặt tiêu cực như giá đất trong khung giá đất, bảng giá đất thường lạc hậu, chưa phù hợp so với giá đất thị trường do ít được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do bỏ khung giá đất nên Bảng giá đất ban hành đảm bảo phù hợp với giá đất thị trường nên không quy định thời gian Bảng giá đất ban hành 5 năm 1 lần.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước về giá đất, phù hợp với giá đất thị trường, tránh việc tùy tiện trong ban hành Bảng giá đất thì cần có sự thẩm định của cơ quan Trung ương. Đồng thời, cần tách bạch cơ quan xây dựng và cơ quan thẩm định bảng giá đất là 02 cơ quan độc lập.
Để cơ quan nhà nước có nguồn thông tin đầu vào minh bạch, khuyến khích người dân kê khai đúng giá đất chuyển (giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phản ánh đúng giá giao dịch thực tế do người dân kê khai giá đất trong Hợp đồng chuyển nhượng thấp để giảm thuế thu nhập; giao dịch vẫn chủ yếu bằng tiền mặt) và nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khó thu thập.
Việc bổ sung thêm thành phần Hội đồng thẩm định là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan… nhằm tăng thêm tính khách quan trong việc quyết định giá đất.