Huyền My ·
1 năm trước
 4631

Việt Nam tiên phong thúc đẩy vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người

Theo đánh giá của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi, Việt Nam là một trong những nước đi đầu thúc đẩy vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền.

Biến đổi khí hậu đang đe dọa tới chất lượng cuộc sống của con người trên nhiều quốc gia. Chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến của toàn cầu, đòi hỏi sự quyết tâm và hợp tác về nhiều mặt từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Cùng với quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực tìm giải pháp, phối hợp để tìm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Theo đánh giá của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi, Việt Nam là một trong những nước đi đầu thúc đẩy vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền. Ông Korosi mong muốn Việt Nam ủng hộ sáng kiến về Hệ thống Thông tin toàn cầu về Nước dự kiến đưa ra tại Hội nghị Nước tháng 3/2023 và tham gia vào chuỗi Báo cáo Khoa học về Lương lực bền vững ở New York thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi tại Geneva ngày 28/2/2023. (Ảnh: VGP)

Tại cuộc gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ mới đây tại Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị hai bên cùng phối hợp với các nước tập trung nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030, trước mắt là bảo đảm thành công cho Hội nghị Thượng đỉnh về vấn đề này vào tháng 9 tới.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Chủ tịch Đại hội đồng ủng hộ Việt Nam thực hiện các cam kết khí hậu qua việc điều phối nỗ lực nhằm kêu gọi các nước phát triển dành nguồn lực thích đáng cho tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu.

Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Tình trạng này đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn.

Tính dễ tổn thương của Việt Nam gia tăng do Việt Nam chịu nhiều rủi ro thiên tai, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và các vùng đồng bằng và ven biển với mật độ dân cư cao cũng như các nhóm dân cư là người dân tộc thiểu số tại các vùng cao và hẻo lánh. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lũ lụt ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tần suất xuất hiện và cường độ bão tăng đe dọa tới an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.

Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc thực hiện kịp thời các cam kết về biến đổi khí hậu sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.

Tính đến thời điểm này, chỉ sau hơn một năm triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phê duyệt các chiến lược, đề án, như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.

Theo đó, Các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới cần được thực hiện, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BĐKH trong đó xem xét xây dựng Luật Biến đổi khí hậu vào thời điểm thích hợp sau khi xác định đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn và đánh giá tác động của chính sách; các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các cấp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phù hợp với các mục tiêu thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính. Định hướng hạn chế các ngành sử dụng nhiều năng lượng trong khi tạo giá trị GDP thấp, không định hướng xuất khẩu các sản phẩm tiêu hao nhiều năng lượng…