Hải Anh ·
2 năm trước
 1992

Việt Nam vẫn là 'điểm nóng' về săn bắt và trung chuyển động vật hoang dã trái phép

Điều đáng buồn là ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát - đại dịch mà nguyên nhân được cho là có thể bắt nguồn từ động vật hoang dã gây nhiều thiệt hại cho cộng đồng. Thì vấn nạn săn bắn, tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Việt Nam vẫn đang là "điểm nóng" nhức nhối về vấn đề này.

Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên, tình trạng buôn lậu động vật hoang dã tại Việt Nam diễn ra phổ biến. Việt Nam có đa dạng sinh học hàng đầu thế giới nhưng cũng là điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã.

Đây cũng là thông tin được các chuyên gia bảo tồn và các bộ ngành Tài nguyên Môi trường đưa ra tại toạ đàm trực tuyến kêu gọi bảo vệ động vật hoang do Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng tổ chức.

Trung tâm CCD nghiên cứu trên Internet có 1.097 vụ rao bán khoảng hơn 11.000 cá thể động vật hoang dã (theo kết quả nghiên cứu sơ bộ về rà soát buôn bán, săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2021 do Dự án VfD thực hiện).

buôn bán động vật hoang dã

Hổ và báo con gần đây đã được giải cứu khỏi các trang trại bất hợp pháp ở các tỉnh khác nhau ở Việt Nam

“Động vật hoang dã đang bị buôn bán trái phép tại Việt Nam không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn nhập lậu từ nước ngoài và Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác từ châu Phi, phần lớn bán sang Trung Quốc (theo EIA, 2021)” – ông Vỹ cho hay.

Sau khi một trong những nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19 được cho là có thể bắt nguồn từ động vật hoang dã, Chính phủ Việt Nam đã có các chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hơn nạn buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, tình hình buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Cả trước và sau thời điểm Chỉ thị số 29/CT-TTg được ban hành, tình trạng buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã tại nhiều địa phương vẫn không có biến chuyển tích cực. Một số chợ động vật hoang dã vẫn hoạt động công khai, thậm chí buôn bán cả các loài động vật quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ.

Theo ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc PanNature, “Rất nhiều dịch bệnh trong quá khứ đã được chứng minh là do lây nhiễm từ động vật hoang dã. Chính hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng bất hợp pháp các loài này đã tạo điều kiện cho việc phát tán, lây lan các ổ virus nguy hiểm. Việt Nam đã và đang thực hiện phòng, chống COVID-19 rất hiệu quả.

Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những chỉ đạo sát sao hơn nữa nhằm kiểm soát chặt hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, đặc biệt cần đóng cửa vĩnh viễn những tụ điểm, khu chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vốn tồn tại nhiều năm nay, góp phần hạn chế tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát các bệnh truyền nhiễm từ động vật trong tương lai”,  Giám đốc PanNature nhấn mạnh.

"Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về việc tiêu thụ, nhưng việc buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn chưa dừng lại bất kể đại dịch", Elizabeth John, chuyên viên truyền thông cấp cao của Traffic Đông Nam Á cũng có ý kiến như vậy.