Bích Ngọc ·
51 tuần trước
 6108

Vietcombank, MB, VPBank, HDBank được gì khi “ôm” ngân hàng lỗ khủng?

4 ngân hàng TMCP (Vietcombank, MB, VPBank, HDBank) có khả năng từ năm tới sẽ chính thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Số lỗ lũy kế hàng chục ngàn tỷ đồng, chưa kể hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu, yếu tố nào làm nên sự hấp dẫn của các ngân hàng yếu kém?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt là CB, OceanBank, GP Bank và DongA Bank. Trước đó, đã có 4 nhà băng công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là Vietcombank, MB, VPBank và HDBank.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 cho biết, MB đã chuẩn bị xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại. 

Lãnh đạo MB cho hay, thời gian định giá theo quy trình của Nhà nước là 11 tháng, từ tháng 3/2023, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024, việc định giá hoàn thành và MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc.

Cũng theo lãnh đạo MB, tuy dù phương án nhận chuyển giao bắt buộc đang trong quá trình thực hiện thủ tục, song MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo chỉ đạo của NHNN. Danh tính ngân hàng nhận chuyển giao chưa được MB xác nhận, tuy nhiên nhiều khả năng là OceanBank. Trên thực tế, gần 2 năm nay MB đã tham gia hỗ trợ kinh doanh cho OceanBank. 

Theo Vietcombank, nhà băng này đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao và trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phê duyệt. Vietcombank sẽ tổ chức thực hiện ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt.

Vietcombank cũng chưa đưa việc nhận chuyển giao vào kế hoạch kinh doanh của mình trong năm 2023. Sớm nhất năm 2024, việc nhận chuyển giao mới được triển khai.

Về phía VPBank và HDBank, lãnh đạo hai nhà băng này cho biết, quá trình nhận chuyển giao bắt buộc đang trong giai đoạn đề xuất, chờ phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do đó chưa thể thông tin cụ thể.

4 ngân hàng yếu có gì hấp dẫn khi âm vốn và ôm “núi nợ”?

Dù báo cáo kết quả kinh doanh không được công bố cập nhật nhưng cả 4 nhà băng yếu kém trong diện phải chuyển giao bắt buộc đều thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu lớn.

Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối năm 2021, DongA Bank lỗ lũy kế 12.465 tỷ đồng, kéo theo đó, vốn chủ sở hữu âm 6.855 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DongA Bank đang sở hữu khối nợ xấu lớn. Thời điểm tháng 8/2019, nợ xấu của nhà băng này vượt 1 tỷ USD (khoảng 24.000 tỷ đồng).

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường VIRAC, 3 ngân hàng yếu kém còn lại còn lỗ thảm hơn. Theo đó, đến cuối năm 2021, CBBank lỗ lũy kế 36.880 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 33.825 tỷ đồng. OceanBank lỗ lũy kế 18.698 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 14.429 tỷ đồng. GPBank lỗ lũy kế hơn 18.754 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 15.669 tỷ đồng.

Chưa kể nợ xấu hàng chục ngàn tỷ đồng, với số lỗ khủng nói trên, cổ đông nhiều của ngân hàng lo ngại, khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém là nhận về “khúc xương khó nhằn”, có thể kéo lùi tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng. Vậy nguyên nhân nào khiến lãnh đạo các ngân hàng lớn vẫn quyết tâm nhận về các ngân hàng yếu?

Theo  lãnh đạo các ngân hàng phân tích, bên cạnh lý do “nhiệm vụ chính trị”, nhận chuyển giao các nhà băng yếu kém sẽ mang lại nhiều lợi ích như: được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15/25% vốn tự có của của ngân hàng đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan; tăng trưởng tín dụng hàng năm không bị giới hạn nếu đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; ngay sau khi nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; trong việc mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch được ưu tiên…

Ngoài ra, theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014/NĐ-CP đang được NHNN lấy ý kiến và sẽ sớm được ban hành, những nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém ( trừ Vietcombank ) có thể được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% lên 49%. Tuy Vietcombank không được hưởng cơ chế này nhưng thay vì phải chi một phần cổ tức tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính như các năm trước ngân hàng sẽ được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng).

Bên cạnh đó, NHNN cũng đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi với những tổ chức tín dụng trong diện phải chuyển giao bắt buộc như: trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc được NHNN cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0%, không phải thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm…

Trường hợp quá trình nhận chuyển giao bắt buộc diễn ra suôn sẻ, các nhà băng yếu kém thoát lỗ sau 8-9 năm như ước tính, khi đó các ngân hàng lớn nhận chuyển giao sẽ rút ngắn được quá trình mở rộng quy mô.

Các ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém cũng không bị tổn hại sức khỏe tài chính do không phải hợp nhất báo cáo tài chính, không phải chịu trách nhiệm về thanh khoản cũng như các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng yếu kém trong giai đoạn nhận chuyển giao bắt buộc. Dự kiến quá trình này kéo dài 8-10 năm.

Tạ Ngọc