Bích Ngọc ·
27 tuần trước
 8730

VietCredit làm ăn thế nào mà vẫn lỗ đậm, tỷ lệ nợ xấu đã vượt quá 20%?

Sau 9 tháng đầu năm, Công ty Tài chính VietCredit lỗ ròng hơn 136 tỷ đồng và đã chính thức trở lại trạng thái lỗ lũy kế hơn 35 tỷ đồng trên báo cáo tài chính.

Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit, mã TIN) đã có một quý kinh doanh khá tiêu cực. Thu nhập lãi thuần trong kỳ giảm 16% (xuống còn gần 273 tỷ đồng), tuy nhiên thu không đủ bù chi phí khiến công ty lỗ thuần dịch vụ hơn 1 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối là điểm sáng khi có cải thiện (từ lỗ sang có lãi nhẹ), phát sinh khoản lãi đầu tư chứng khoán 155 triệu đồng và thu nhập khác tăng mạnh 42% (lên hơn 17 tỷ đồng). 

Công ty này còn tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên gần 207 tỷ đồng (tăng 60% so cùng kỳ). Điều này khiến doanh nghiệp bị lỗ ròng đến 62 tỷ đồng, nối dài quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp và đây là mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo giải trình của lãnh đạo VietCredit, kết quả kém khả quan trên là do thu nhập lãi thuần giảm và tăng chi phí trích lập dự phòng. Dù đa số khách hàng vẫn trả nợ, tuy nhiên công ty vẫn phải tuân thủ việc phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty này bị lỗ ròng hơn 136 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 84 tỷ. Chủ yếu thu nhập lãi thuần giảm 22%, thu nhập khác giảm 14% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 19% lên hơn 604 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch đề ra cho năm 2023, công ty tài chính này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng hơn 40% (lên gần 107 tỷ đồng). Với mức lỗ hơn 136 tỷ đồng trước thuế sau 9 tháng, VietCredit đang bị thụt lùi rất sâu so với kế hoạch năm. 

Hiện tổng tài sản của VietCredit lui về mức dưới 6.500 tỷ đồng. Đa phần trong số này là khoản mục cho vay khách hàng với số dư 4.246 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 1.244 tỷ đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và gần 650 tỷ đồng chứng khoán đầu tư. 

Về nguồn vốn, số dư tiền gửi của khách hàng (chủ yếu là tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong nước) và phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi) lần lượt giảm 20% và 31% so với đầu năm (xuống còn 336 tỷ đồng và 2.534 tỷ đồng). Ngược lại, số dư tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác lại tăng mạnh 110% (lên 2.687 tỷ đồng). 

Đáng chú ý nhất là tại VietCredit có nợ xấu (nợ nhóm 3-5) tăng rất nhanh lên hơn 868 tỷ đồng (cao hơn 65% so với đầu năm). Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 28% lên 298 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp 2,3 lần ở mức gần 538 tỷ đồng.

Do dư nợ cho vay khách hàng giảm trong khi nợ xấu tăng cao dẫn đến tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng vọt từ 11,88% cùng kỳ lên 20,45% vào cuối quý III. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 53,3% (xuống còn 48,3%).

Theo tìm hiểu, VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) được thành lập từ năm 2008 và có vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng.  Năm 2018 Công ty đổi tên như hiện tại và chính thức tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng. Đây là một trong số ít công ty tài chính đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đến nay, công ty tài chính này có vốn điều lệ hơn 701 tỷ đồng, với cổ đông lớn nhất là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) có tỷ lệ sở hữu 14,31% vốn công ty. Trong khi phần vốn còn lại 85,41% cổ phần thuộc về 108 cổ đông các nhân khác. 

Việc trong 2 quý gần nhất lỗ đậm cũng đang khiến VietCredit chính thức chuyển sang trạng thái bị lỗ lũy kế hơn 35 tỷ đồng, lần gần nhất doanh nghiệp từng bị lỗ lũy kế là vào cuối năm 2018. 

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6998193173573712/?