Bích Ngọc ·
49 tuần trước
 9002

Vietnam Airlines: Lỗ lũy kế hơn 35 nghìn tỷ, âm vốn 11 nghìn tỷ đồng và nguy cơ bị huỷ niêm yết

Sau nhiều lần trì hoãn, mới đây Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, MCK: HVN) đã có công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2022.

Cụ thể, năm 2022 Vietnam Airlines đạt doanh thu 70.793 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2021). Tuy vậy, do giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu dẫn đến việc hãng hàng không này lỗ gộp 2.876 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Vietnam Airlines đạt 980 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính (giảm 3,7% so với năm trước). Ở chiều ngược lại chi phí quản lý tài chính là 4.432 tỷ đồng (gấp 2,7 lần so với năm 2021), chủ yếu đến từ chênh lệch tỷ giá; chi phí bán hàng tăng gấp 2,6 lần (lên 3.195 tỷ đồng); chi phí quản lý doanh nghiệp là 1.769 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines âm 11.223 tỷ đồng, so với năm ngoái giảm lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy vậy, tổng lỗ lũy kế của hãng bay lúc này đã lên tới 35.072 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng, khoản trả quá hạn là 15.396 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng, trong khi năm ngoái dương 525 tỷ đồng.

Từ đó kiểm toán nhấn mạnh, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê.

Theo Vietnam Airlines, với các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính, hãng bay này đã đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán đối với các khoản vay đến hạn phải trả.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đã và đang tiếp tục đàm phán giảm giá, giãn hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác, trong đó nhiều đối tác đã đồng ý giảm giá (đối với chi phí thuê tàu bay và bảo dưỡng…) hoặc giãn thanh toán (đối với chi phí thuê tàu bay, quản lý bay, các dịch vụ chuyến bay…).

Về nguyên nhân thua lỗ, Vietnam Airlines cho biết, do thị trường quốc tế phục hồi chậm, nhất là thị trường Trung Quốc mở cửa dè dặt hơn so dự kiến. Các nguyên nhân khác là do tình trạng thừa tải, giá vé nội địa thấp. Trong khi đó giá nhiên liệu lại tăng cao, mức giá vé trần nội địa chưa được điều chỉnh, các hãng hàng không chưa được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa; lãi suất, tỷ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác cũng diễn biến bất lợi.

Trước đó, vào hồi tháng 2 năm 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã cảnh báo sẽ huỷ niêm yết đối với cổ phiếu HVN nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm.

Căn cứ quy định Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 như sau "Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Tính hết năm 2022, Vietnam Airlines đã có 3 năm lỗ liên tiếp và lỗ luỹ kế cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, chính vì vậy việc hãng bay này bị đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết là rất cao.

Hiện tại, trên sàn HOSE, cổ phiếu HVN đang nằm trong diện hạn chế giao dịch và gần đây tiếp tục trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Nói về nguy cơ hủy niêm yết, lãnh đạo Vietnam Airlines trong các cuộc gặp gỡ báo chí cho rằng phía công ty vẫn nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7169423663117328/?