Cụ thể, hôm nay (ngày 18/3), Tập đoàn Vingroup - CTCP (VIC) do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch - công bố thông tin cho hay ngày 17/3, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup đã ký thỏa thuận bán phần vốn góp lên đến 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại (Công ty SDI) - đơn vị đang sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado, cổ đông lớn của CTCP Vincom Retail (VRE).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo dự kiến, giao dịch dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 3/2024 đến quý III/2024. Sau khi giao dịch hoàn tất, Công ty SDI, Công ty Sado và Công ty Vincom Retail không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup.
Như vậy, Vincom Retail sẽ không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup. Tuy vậy, Vingroup vẫn sẽ thay mặt Vincom Retail quản lý hoạt động của các trung tâm thương mại (TTTM).
Tình hình kinh doanh của Vincom Retail đang thế nào trước khi Vingroup bất ngờ thoái vốn?
Được biết, cổ đông lớn nhất của công ty này đang là CTCP Kinh doanh thương mại Sado khi sở hữu 943,2 triệu cổ phiếu VRE, tương đương 40,5% vốn điều lệ và 41,51% quyền biểu quyết của công ty này.
Từ tháng 2/2021, doanh nghiệp này bắt đầu sở hữu cổ phiếu VRE, sau khi sáp nhập Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Sado chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của của Vincom Retaili từ tháng 4/2021 khi nhận chuyển nhượng tiếp 751 triệu cổ phiếu VRE nữa.
Hiện Tập đoàn Vingroup đang trực tiếp nắm 18,82% quyền biểu quyết của Vincom Retail.
Nhìn vào số liệu tài chính của Vincom Retail cho thấy, tại thời điểm 31/12/2023, công ty này có tổng tài sản 47.653 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán là hơn 60.000 tỷ đồng.
Hiện Vincom Retail đang sở hữu 83 TTTM tọa lạc tại các vị trí trung tâm trên khắp 44 tỉnh thành của Việt Nam. Năm qua, công ty đã đưa 11 thương hiệu quốc tế lớn lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như Lush, ADLV, Wulao... và 10 cửa hàng flagship với các mô hình khác biệt, độc đáo tại các TTTM Vincom như Nike Live, Pizza 4P's Premium, Aldo, Swarovski.
Theo Vincom Retail, trong năm qua công ty đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại 54 TTTM đã giúp tiết kiệm 12,2 tỉ đồng và giảm thiểu khoảng 12 nghìn tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm. Vincom Retail đã tiến hành phân loại rác tại nguồn, kêu gọi các gian hàng trong TTTM đồng hành tham gia với kết quả 50 tấn rác tái chế mỗi năm từ sáng kiến này.
Năm 2023, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 33% và 58,8% so với cùng kỳ.
Trong năm nay, Vincom Retail dự kiến sẽ khai trương thêm 6 TTTM với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 160.000 m2. Đây là nhà phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Lý do Vingroup thoái vốn tại Vincom Retail?
Theo ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, thời điểm này cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Vingroup và các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao.
Ông Quang cho biết, nguyên nhân Vingroup quyết định chuyển nhượng Vincom Retail dù doanh nghiệp này đang hoạt động tốt, mỗi năm lợi nhuận lên đến cả nghìn tỷ đồng là vì Vingroup cần tập trung nguồn lực để phát triển mạnh mẽ.
Để thực hiện bằng được sứ mệnh này, Vingroup sẽ dồn toàn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính để tạo đà phát triển đột phá trong giai đoạn bước ngoặt tiếp theo.
Cũng theo ông Quang, không có chuyện thâu tóm “đất vàng” của các trung tâm thương mại do Vincom kiểm soát để biến thành dự án nhà ở. Các TTTM được xây dựng theo đúng quy hoạch với mục đích sử dụng rõ ràng là đất thương mại dịch vụ.
CEO Vingroup cho hay, sẽ không có thay đổi gì trong mô hình tổ chức, quản lý, vận hành của Vincom Retail vì Vingroup sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail. Vingroup sẽ thay mặt Vincom Retail quản lý hoạt động của các TTTM, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại các TTTM.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7547451035314587/?