Bích Ngọc ·
1 năm trước
 5579

Với khoản nợ hơn 64.000 tỷ đồng, chủ nợ của Novaland gồm những ai?

Novaland đi vay tổng cộng 64.576 tỷ đồng trong năm 2022, so với hồi đầu năm tăng khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn tăng 6.400 tỷ đồng (lên 25.500 tỷ đồng) và vay nợ dài hạn giảm khoảng 2.400 tỷ đồng (xuống 39.060 tỷ đồng).

Trong đó, nợ ngân hàng 11.019 tỷ đồng, nợ phát hành trái phiếu 44.169 tỷ đồng và vay bên thứ ba là 10.079 tỷ đồng. Đối với các khoản vay ngân hàng, Novaland còn dư nợ gần 3.400 tỷ đồng vay ngắn hạn và hơn 7.600 tỷ đồng vay dài hạn.

Cụ thể, NVL vay Ngân hàng TMCP Quân đội (mã: MBB) 3.100 tỷ đồng nợ dài hạn và 150 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã: CTG) có dư nợ dài hạn 1.956 tỷ đồng và dư nợ ngắn hạn 212 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) có dư nợ dài hạn 1.050 tỷ đồng và dư nợ ngắn hạn 500 tỷ đồng. Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) có dư nợ vay dài hạn hơn 337 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) còn dư nợ vay ngắn hạn hơn 205 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (Vietcombank, mã: VCB) có dư nợ ngắn hạn 157 tỷ đồng…

Nguồn: BCTC quý 4/2022.

Bên cạnh đó còn khoản vay Credit Suisse AG chi nhánh Singapore hơn 1.900 tỷ đồng ngắn hạn; Vietnam Joint Stock Commercia hơn 474 tỷ đồng dài hạn; Maybank International Labuan Brach hơn 474 tỷ đồng, Deutsche lnvestitions-und Entwicklungsgesellschaft mbH hơn 304 tỷ đồng, The Hongkong and Sanghai Bankong gần 190 tỷ đồng ngắn hạn…

Theo báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), Novaland đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện bao gồm: đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, tập trung phát triển các dự án trọng điểm và cân nhắc khả năng bán bớt tài sản.

Trong báo cáo quý 4 của NVL, tháng 9/2022, Novaland đã hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại hạ tầng Sài Gòn, Khánh An và Carava Resort, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 4.500 tỷ đồng, thu lãi hơn 700 tỷ đồng chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá trị ghi sổ.

Theo VCSC, tổng nợ vay của Novaland tính đến cuối năm 2022 là 64.576 tỷ đồng – với thời điểm cuối quý 3 giảm 10% nhưng so với cùng kỳ tăng 7%. Và gần 40% số nợ đó sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới với phần lớn là trái phiếu. Nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của Novaland vào cuối năm 2022 đã tăng lên 123,9% so với 111,0% tại cuối quý 3/2022 và 103,1% tại cuối năm 2021 do giải ngân tiền mặt cho chủ nợ.

Nhiều cổ đông lớn liên tục giảm sở hữu

Lãnh đạo cùng cổ đông lớn của Novaland đã có động thái liên tục bán bớt cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu không ngừng lao dốc .

Mới đây, bà Hoàng Thu Châu - thành viên Hội đồng quản trị NVL đồng thời là Tổng giám đốc của Novagroup đã bán thành công hơn 2,28 triệu cổ phiếu NVL vì lý do cá nhân. Giao dịch được thực hiện trong phiên 10/2, hiện tại bà Châu còn sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 0,208% vốn của Novaland.

Cùng chiều giao dịch, CTCP Diamond Properties vừa đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu NVL với mục đích nhằm cân đối danh mục đầu tư, dự kiến từ ngày 15/2 đến 12/3. Hiện Diamond Properties hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại Novaland, nắm giữ 10,415% vốn chỉ sau NovaGroup. Nếu giao dịch trên thành công thực hiện, cổ đông này sẽ giảm sở hữu xuống còn 202,1 triệu cổ phiếu, tương đương 10,364% vốn của Novaland.

Cùng với đó, Ông Bùi Xuân Huy – thành viên HĐQT Novaland cũng đã đăng ký bán ra gần 14,8 triệu cổ phiếu NVL bằng phương pháp thỏa thuận trong khoảng từ ngày 10/2 đến 10/3.

Được biết, các giao dịch thượng tầng tại Novaland diễn ra sau khi nhân sự của doanh nghiệp có biến động lớn, đặc biệt là việc ông Bùi Thành Nhơn trở lại ghế Chủ tịch HĐQT Novaland và là người đại diện pháp luật. Ông Nhơn trở lại là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup – cổ đông lớn nhất của Novaland, đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.