Quy hoạch ngành đầu tiên trong lĩnh vực tài nguyên nước
Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia được xác định là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về nguồn tài nguyên này. Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ định hướng tổng thể việc điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn quốc, vùng kinh tế, lưu vực sông.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đã xây dựng thành công Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Dựa trên kết quả đó, thời gian tới, Bộ TN&MT và WB tiếp tục mở ra các nội dung hợp tác mới, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch, góp phần đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Theo đó, Quy hoạch nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước; điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân; kiểm soát chất lượng, trữ lượng các nguồn nước, nâng cao khả năng tích trữ nước trên các lưu vực sông, vùng kinh tế, địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Đây là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước.
Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia được xác định là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên này.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã được Chính phủ cơ bản chấp thuận.
Theo Báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên là 169.000 km2 . Trong đó, phần lưu vực nằm ở Trung quốc là 81.200 km2 chiếm 48% diện tích toàn lưu vực; phần lưu vực nằm ở Lào là 1.100 km2 chiếm 0,7% diện tích toàn lưu vực; phần lưu vực nằm ở Việt Nam là 88.680 km2 chiếm 51,3% diện tích lưu vực.
WB cam kết hỗ trợ mạnh mẽ
Tại buổi làm việc với bà Maria Angelica Sotomayor – Giám đốc điều hành của Cơ quan Toàn cầu về Nước của Ngân hàng thế giới (WB) tại Châu Á – Thái Bình Dương mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị WB tiếp tục phối hợp để nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam, trong bối cảnh xu thế phát triển cởi mở ở Việt Nam và sự thay đổi nhận thức của người dân về môi trường và điều kiện sống.
Tập trung cho mục đích quản lý tài nguyên nước mang tính thực tiễn, hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị WB xem xét, hỗ trợ Bộ TN&MT hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch tài nguyên nước. Bên cạnh đó, WB có thể giúp Việt Nam phát triển ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước để xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định, nhằm đưa quản lý hành chính sang quản lý số, đảm bảo việc vận hành theo thời gian thực.
Đặc biệt, đề cập đến nội dung mới cần đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là kinh tế tài nguyên nước, Thứ trưởng đề nghị WB đồng hành để tính toán bài toán tài chính nước phân bổ cho các ngành, đảm bảo đủ nguồn nước về số lượng cho người dân và hoạt động phát triển kinh tế.
Đề cập đến thực trạng ô nhiễm nước hiện nay, Thứ trưởng đề nghị WB hợp tác để giải quyết ô nhiễm nguồn nước ở 3 lưu vực sông là sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai. “Hai bên có thể xây dựng một đề án để trả lại sự trong sạch của các dòng sông này” – Thứ trưởng cho hay.
Trên cơ sở đó, bà Maria Angelica Sotomayor khẳng định, các đề xuất của Thứ trưởng Lê Công Thành đều phù hợp với định hướng hợp tác của WB. Vì vậy, WB cam kết hỗ trợ Việt Nam và Bộ TN&MT để thực hiện các nhiệm vụ này.
“WB luôn mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm tới tầm quan trọng của nước và giá trị của nước. WB đánh giá cao quan điểm của Bộ TN&MT về việc sử dụng công cụ kinh tế để phân bổ nguồn nước công bằng, minh bạch. WB đã có kinh nghiệm ở một số quốc gia về áp dụng các công cụ kinh tế để ra quyết định và sẽ hỗ trợ cho Việt Nam về tài chính nước như Thứ trưởng đề xuất", bà Maria Angelica Sotomayor chia sẻ.