Việc kêu gọi đầu tư xây dựng lại chung cư cũ gặp nhiều khó khăn, trong khi người dân muốn rõ ràng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mới di dời khỏi nơi nguy hiểm.
TP.HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975; trong đó, 16 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) với gần 1.200 hộ dân. Trong số này có tới 14 chung cư có kết quả kiểm định cấp D vào giai đoạn 2016-2017.
Bám trụ đến khi rõ ràng phương án
Chung cư Vĩnh Hội (phường 6, quận 4) quy mô 4 tầng với 244 hộ dân, có kết quả kiểm định cấp D từ năm 2016. Sáng 9-9, quán nước nhỏ của bà Võ Thị Huỳnh tiếp vài khách trong chung cư này. Khi phóng viên Báo Người Lao Động hỏi chuyện di dời đến nơi tạm cư, ai cũng lắc đầu ngao ngán. "Nếu có nơi ở tốt hơn thì người dân không phải bám trụ lại đây. Dù biết nguy hiểm nhưng không có lựa chọn khác. Chúng tôi ở đây cho đến khi rõ ràng về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư" - anh Thanh Tâm nói.
Ở chung cư Vĩnh Hội từ năm 1969, bà Võ Thị Huỳnh cho hay căn hộ của bà rộng hơn 30 m2, nếu theo "lời chào" của một nhà đầu tư trước đây thì tiền bồi thường chỉ hơn 3 tỉ đồng. Trong khi đó, gia đình bà có đến 4 người con trai đều lập gia đình nên việc tái định cư là không thể. "Bám trụ lại chung cư bán lặt vặt hằng ngày cũng được vài chục ngàn tiền lời, đủ lo ăn uống. Nếu đi tạm cư thì không biết làm gì ra tiền" - bà Huỳnh chia sẻ.
Trong đó, chung cư Tôn Thất Thuyết (phường 4, quận 4) với 174 hộ dân, hồi tháng 2 đã xảy ra sự cố sập đà, sàn hành lang, tường lan can lối đi ở lô C. UBND quận 4 đã chỉ đạo gia cố khẩn cấp các vị trí hư hỏng trong thời gian di dời các hộ dân sang chung cư số 4 đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hộ nào di dời.
Trên địa bàn quận 4 có 5 chung cư cấp D. Hiện chỉ có chung cư 6bis Nguyễn Tất Thành đã hoàn thành di dời dân, chung cư Trúc Giang di dời 120/123 hộ; còn chung cư Tôn Thất Thuyết (lô A, B, C) và chung cư Hoàng Diệu (lô Y) với tổng cộng 219 hộ dân vẫn chưa di dời.
Chung cư Vĩnh Hội được xác định thuộc cấp hư hỏng nặng, nguy hiểm từ năm 2016 nhưng nhiều hộ dân vẫn không muốn di dời.
Tương tự, quận Tân Bình có 5 chung cư cấp D. Trong đó, chung cư 40/1 Tân Phước, chung cư 170-171 Tân Châu, 47 Long Hưng đã hoàn thành di dời cư dân. Còn cư dân tại chung cư 137 Lý Thường Kiệt, 149-151 Lý Thường Kiệt vẫn "bám trụ" nơi nguy hiểm.
Theo ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, Sở Xây dựng đã thống nhất với đề xuất không đầu tư xây dựng lại 3 chung cư (170-171 Tân Châu, 137 Lý Thường Kiệt, 149-151 Lý Thường Kiệt) mà sẽ đấu giá vì không đủ chuẩn xây dựng nhà chung cư sau khi trừ lộ giới. Quận Tân Bình sẽ kiến nghị UBND TP cho phép hợp ranh chung cư 47 Long Hưng với khu đất liền kề thuộc sở hữu nhà nước (khoảng 2.000 m2). Còn chung cư 40/1 Tân Phước sẽ được điều chỉnh quy hoạch để xây dựng lại.
Kêu gọi đầu tư xây lại chung cư cũ: Không dễ!
Quận 5 có 1 chung cư cấp D là chung cư 440 Trần Hưng Đạo và đã hoàn thành di dời dân vài tháng trước. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho hay 20 hộ dân ở đây đã về tạm cư tại chung cư An Phú (quận 6) mà không phải tốn tiền thuê nhà, chỉ trả phí dịch vụ chung cư. Về khu đất chung cư 440 Trần Hưng Đạo quận đề xuất sẽ sử dụng cho mục đích công cộng.
Tương tự, tại quận 6, chung cư 119B Tân Hòa Đông được điều chỉnh quy hoạch sang chức năng đất giáo dục (rộng 1.760 m2). Trong lúc chờ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, 70/80 hộ dân ở đây đã sang tạm cư tại chung cư 243 Tân Hòa Đông.
Trên địa bàn quận 1 có 3 chung cư cấp D gồm: 23 Lý Tự Trọng (đã phá dỡ), 128 Hai Bà Trưng (di dời dân nhưng chưa phá dỡ) và 155-157 Bùi Viện (di dời 99/100 hộ dân). Tuy di dời dân sớm nhưng thời gian qua, quận 1 cũng gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư xây dựng lại chung cư cũ.
Đánh giá về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, UBND TP HCM cho rằng việc triển khai đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư do việc áp dụng pháp luật về nhà ở, đất đai và đầu tư còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ.
Thay đổi cách làm, giải tỏa bế tắc TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc giao hoàn toàn cho tư nhân tham gia xây dựng lại chung cư cũ chưa thành công thì nhà nước phải đứng ra lo liệu. Nhà nước có thể ứng tiền xây dựng lại chung cư và tổ chức cho người dân tái định cư tại chỗ. Người dân rất khó có khoản tiền để mua lại căn hộ mới nên cần chính sách trả góp. Trường hợp người dân không muốn trả góp và tự lo việc tái định cư thì bồi thường số tiền tương ứng với giá trị đất tại chung cư. "Nếu nhà nước hạn chế nguồn lực tài chính thì có thể kêu gọi tư nhân tham gia bằng việc phát hành "trái phiếu chung cư" với lãi suất hấp dẫn để huy động vốn" - KTS Sơn gợi ý. Đồng quan điểm nhà nước nên lo liệu việc xây dựng lại chung cư cũ, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.HCM, nhấn mạnh điểm nghẽn chính là nguồn vốn đầu tư. "Nhà đầu tư khó thực hiện dự án nếu không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp, trong khi nhiều vị trí chung cư không hấp dẫn nhà đầu tư vì hạn chế chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc" - TS Nguyên chỉ rõ. |