Những năm gần đây, nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều trong khi các mỏ cát được cấp phép không đủ đáp ứng nhu cầu. Từ thực tế này, nhiều đối tượng đã bất chấp, dùng mọi thủ đoạn để tìm cách khai thác cát lậu bán ra thị trường.
Nguồn thu từ khai thác, buôn bán loại vật liệu này ngày càng trở lên hấp dẫn, lợi nhuận cao nên hoạt động khai thác cát sỏi trái phép quá mức phát triển với quy mô lớn, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tiêu tốn tài nguyên, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, đe dọa các công trình.
Ảnh minh họa.
Siêu lợi nhuận, dễ lách luật, thiếu cơ chế giám sát, quản lý nên tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, cát sỏi lòng sông diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng tăng.
Bên cạnh Luật Khoáng sản đã có hiệu lực, để ngăn chặn, kiểm soát tốt hơn tình trạng này, tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành thêm Nghị định 23 quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố khi cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tình trạng khai thác sai quy định, lách luật vẫn đang diễn ra.
Tiêu biểu, việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Phú Xuyên…
Thực tế hiện nay, nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3 m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10 m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8 m và không riêng thành phố Hà Nội, các tỉnh nằm trong lưu vực sông Hồng cũng diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội.
Không chỉ đồng bằng sông Hồng, tại các con sông ở ĐBSCL cũng đang diễn ra thực trạng tương tự. Hiện hơn 1/2 chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở, tương đương hơn 300 km. Nguyên nhân là tổng lượng phù sa sông Me Kong giảm một nửa và hoạt động khai thác cát tràn lan trên các sông.
Hệ quả là nhiều hệ thống sông lớn ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, đe dọa cuộc sống của người dân. Những lòng sông nếu chậm được "giải cứu", cái giá phải trả sẽ là rất lớn.
Hiện nay, Việt Nam có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông, trong đó có 166 dự án địa phương cấp song song với việc nạo vét luồng tuyến và bên cạnh đó vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép.
Ngoài tình trạng sạt lở mất đất sản xuất của người dân, việc bị thay đổi dòng chảy do khai thác cát sỏi quá mức không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên mà còn gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, dẫn tới những hệ lụy khôn lường cả về xã hội và kinh tế.
Trước những tác động xấu của việc khai thác quá mức cát sỏi trên sông dẫn đến sạt lở lòng bờ, chuyên gia cảnh báo, tài nguyên này sẽ cạn kiệt trong tương lai nếu không có những biện pháp thật sự hiệu quả.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Cần có giải pháp quyết liệt
Việc khai thác cát trái phép tại các dòng sông đã và đang gây sạt lở nhiều bờ sông, tuyến đê và nhà cửa; đời sống người dân và hệ sinh thái thủy sinh bị đảo lộn; mực nước các dòng sông bị hạ thấp khiến mực nước ngầm bị giảm, tiềm ẩn nguy cơ hạn hán,… Hậu quả việc khai thác cát trái phép gây ra rất nặng nề nhưng công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng vẫn còn hạn chế.
Nguyên nhân do số cán bộ chuyên trách ít, địa bàn rộng, thời gian các đối tượng hoạt động chủ yếu vào ban đêm khiến các lực lượng chức năng khó giám sát, tiếp cận và xử lý.
Ngoài ra, các quy định xử phạt về khai thác cát trái phép chưa cụ thể, rõ ràng; việc đầu tư nghiên cứu, áp dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên chưa được chú trọng; việc mua bán cát lậu mang lại lợi nhuận cao… Đây là những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng lộng hành trong suốt thời gian qua.
Để ngăn chặn hiệu quả nạn khai thác cát trái phép, các ban, ngành chức năng cần tích cực đầu tư, nghiên cứu tận thu nguồn cát làm vật liệu xây dựng tại các khe, suối đổ vào các hồ thủy điện; sử dụng cát nghiền làm vật liệu thay thế cát xây dựng; thống kê các mỏ đá phù hợp để nghiền, xay thành cát nhân tạo.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các chủ phương tiện khai thác cát trái phép trên sông, nhất là ở những vị trí giáp ranh. Bổ sung các chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng đối với các hành vi khai thác cát trái phép; gắn ca-mê-ra an ninh tại các khu vực có nguy cơ để lực lượng chức năng và người dân cùng giám sát; rà soát, kiểm tra các phương tiện có biểu hiện khai thác cát trái phép; kiên quyết tháo dỡ, tịch thu máy móc của chủ phương tiện sau khi bị xử phạt do khai thác cát lậu…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các chủ phương tiện khai thác cát trái phép. Nhân rộng mô hình các tổ phòng, chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát lậu tại các địa phương.
Đối với các dòng sông có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng bờ do khai thác cát, các cơ quan chức năng cần sớm khảo sát, lập bản đồ những khu vực rủi ro cao để cảnh báo, ngăn chặn; đồng thời chủ động di dời người dân và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm…
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6784183171641381/