Bích Ngọc ·
1 năm trước
 6579

Doanh nghiệp cần tìm mọi cách trả nợ trái phiếu cho trái chủ

Có gần 70 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023 chậm trả nợ 176.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn. Khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp khất nợ khiến trái chủ khó khăn. Theo chuyên gia kinh tế, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho thị trường trái phiếu có thể rơi vào trầm lắng nhiều hơn.

Lo lắng không được tất toán trái phiếu

Tình trạng doanh nghiệp liên tục khất nợ, dù đến hạn tất toán trái phiếu khiến rất nhiều nhà đầu tư mất niềm tin. 

Theo ông Q (Hà Nội), vào tháng 7/2020, ông bỏ ra 3 tỷ đồng mua TPDN do Công ty Saigon Glory phát hành. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu gồm 100% vốn góp Công ty TNHH Saigon Glory do Cty Bitexco thế chấp.

Tháng 7/2023 là đến thời điểm đáo hạn trái phiếu. Ông Q cùng nhiều trái chủ khác kiến nghị nhưng doanh nghiệp phát hành không hợp tác, không thiện chí trong việc trả nợ cũng như xử lý tài sản đảm bảo để trả nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Nhìn vào dữ liệu của HNX, năm 2020, Công ty Saigon Glory phát hành 10 lô trái phiếu với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án The Spirit of Saigon. Saigon Glory cho biết, lý do chậm thanh toán do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi khiến cho tổ chức phát hành chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán gốc trái phiếu đúng hạn so với kế hoạch.

Trường hợp của Saigon Glory chỉ là một trong hàng chục doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu cho trái chủ. 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN. Ước tính, tổng dư nợ của doanh nghiệp vào khoảng 176.100 tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản.

Nửa cuối năm nay, áp lực đáo hạn TPDN rất lớn. Quý 4/2023 dự kiến gần 54.000 tỷ đồng TPDN đến kỳ đáo hạn. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản có khối lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất (chiếm khoảng 44%), tiếp theo nhóm doanh nghiệp tài chính ngân hàng (chiếm 39,5%).

Yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng trả nợ TPDN

Theo đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để giúp thị trường TPDN minh bạch hơn. Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đến cùng trong trả nợ trái phiếu.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng TPDN đang dần trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả. Tuy vậy, tình hình kinh tế vĩ mô ảm đạm, doanh nghiệp khó khăn, khó xoay xở tiền để trả nợ gốc và lãi cho trái chủ.

Cũng theo ông Thịnh, doanh nghiệp gặp trục trặc dẫn đến ngân hàng và nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nắm giữ trái phiếu có thể bị vạ lây. Tình trạng doanh nghiệp không có khả năng trả nợ trái phiếu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến làn sóng nhà đầu tư đòi tất toán, gây xáo trộn thị trường trái phiếu. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, doanh nghiệp cần tìm mọi cách trả nợ trái phiếu cho trái chủ. Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vừa đi vào hoạt động sẽ góp phần gỡ khó cho thị trường, thị trường trái phiếu cũng chuyên nghiệp hơn khi TPDN trở về đúng với bản chất sản phẩm đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, việc DN chủ động đàm phán với trái chủ, góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư và tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh. 9 tháng đầu năm 2023 ước tính tổng khối lượng TPDN được doanh nghiệp mua lại khoảng 177.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu (Novaland, Hưng Thịnh Land…) Có khoảng 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6975610745831955/?