Tạ Nhị ·
1 năm trước
 3410

16 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2022

Hội đồng bình xét sự kiện ngành TN&MT năm 2022 đã tổ chức bình xét, công bố các sự kiện của Ngành nhằm đánh giá, tổng kết các kết quả các nhiệm vụ, hoạt động nổi bật sau một năm công tác.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Bộ TN&MT được cộng đồng và các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm, tuyên truyền sâu rộng nhằm tôn vinh các sự kiện có tác động tích cực đến đời sống, xã hội hoặc những nội dung, vấn đề cần được quan tâm và nỗ lực hơn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, sử dụng các tài nguyên bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý của Ngành TN&MT.

Theo đó, năm 2022 có tổng số 16 sự kiện đảm bảo tiêu chí, điều kiện và đã được đăng tải tham vấn cộng đồng. Các sự kiện này được Thường trực Hội đồng tổng hợp trên cơ sở đề xuất từ các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó có một số sự kiện với sự tham mưu đề xuất của Thường trực Hội đồng. Theo thống kê, năm 2022 có tổng số lượt bình bầu cao nhất với các năm trước đây với gần 23.000 lượt bình chọn. Đây là sự đánh giá và quan tâm của cộng đồng đối với sự kiện của ngành.

Báo cáo về kết quả tham vấn cộng đồng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT, việc bình chọn sự kiện ngành TN&MT năm 2022 được tham vấn trên Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT từ 8 giờ ngày 08/12/2022 và kết thúc vào 17 giờ ngày 18/12/2022. Đây là một trong các căn cứ để Hội đồng chọn và đánh giá.

16 Sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường năm 2022 được bình chọn trên Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT.

Các sự kiện được quan tâm bình chọn gồm:

1. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao hệ thống cảnh báo sớm trong giảm thiểu rủi ro thiên tai của Việt Nam và sự hỗ trợ, kết nối về dự báo của Việt Nam trong khu vực.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đến Việt Nam, trưa 22/10, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đến thăm và làm việc với Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao hệ thống cảnh báo sớm trong giảm thiểu rủi ro thiên tai  cũng như công tác dự báo thời tiết, thủy văn của Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, khi có hệ thống cảnh báo sớm, chúng ta sẽ biết tai hoạ xảy ra và chúng ta sẽ có thời gian để sơ tán người dân, bảo vệ tài sản. Tất cả các mục tiêu mà chúng ta đang cố gắng thiết lập liên minh trong 5 năm tới là hệ thống cảnh báo ở các nước được xây dựng với mục đích chấm dứt những thảm hoạ ảnh hoả đến sinh mạng con người, tài sản.

Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, có tính lịch sử, đầy tự hào đối với ngành KTTV Việt Nam nhằm động viên tinh thần làm việc của các thành viên KTTV và kêu gọi sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân và các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

2. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Năm 2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến mục tiêu: Đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nổi bật là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

3. Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ TN&MT với nhiều bước tiến mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là.

Ngày 22/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2022/NĐ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị, trong đó có 22 đơn vị là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 05 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

4. Nhiều định hướng chiến lược quan trọng về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 22/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết 88/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu nhằm triển khai thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW; xác định những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương, địa phương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức liên quan cùng hành động để phát triển bền vững ngành địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của đất nước.

Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm mà các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện: Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TW; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

5. Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 – 2022), khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp to lớn của ngành tài nguyên và môi trường trong phát triển bền vững đất nước.

Sáng ngày 5/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (5.8.2002 - 5.8.2022).  

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002- 5/8/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Ra đời gần như cùng thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất 2002 thông qua Tuyên bố Johannesburg về phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đa ngành đầu tiên của nước ta, thực hiện thống nhất quản lý tổng hợp các tài nguyên đặc biệt, nguồn lực quý giá của quốc gia (đất đai, nước, khoáng sản…), không gian sinh tồn và môi trường sống của các thế hệ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

6. Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V tổ chức thành công, xác định nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách lớn, quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường giai đoạn tới.

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V đã diễn ra thành công tốt đẹp với chủ đề “Hài hoà phát triển kinh tế và BVMT hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.

Năm 2022 là thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây cũng là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Do đó, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V không chỉ tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những bài học, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn vừa qua mà còn để quán triệt, cùng thống nhất nhận thức và hành động của cả xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường.

7. Dự báo, cảnh báo sớm tác động của siêu bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua trên Biển Đông; mưa lớn cực đoan đe dọa sự phát triển bền vững các đô thị Việt Nam.

Cơn bão số 4 (tên quốc tế Noru) được hình thành trên vùng biển phía Đông Philippine được xác định đạt cường độ siêu bão và là cơn bão đạt cường độ mạnh nhất trong vòng 20 năm qua. Có thời điểm (trưa ngày 26/9) bão tăng cấp và đạt cấp 14 - 15 khi ở trên vùng biển nước ta; bão duy trì cấp 14 nhiều giờ đến khi cách bờ biển Trung Bộ khoảng 150km và giảm cường độ. Tổng cục KTTV đã ban hành cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cao cấp 4 tại một số tỉnh khu vực Trung Bộ. Sự chủ động trong cảnh báo, dự báo sớm và đồng loạt triển khai các biện pháp phòng tránh đã giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do tác động của siêu bão.

Năm 2022 qua đi với nhiều khác biệt và đặc thù về khí tượng, thủy văn. Thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn thể hiện tính chất cực đoan nguy hiểm; số cơn bão, áp thấp nhiệt đới không nhiều nhưng đã xuất hiện siêu bão ảnh hưởng trực tiếp đe dọa các tỉnh Trung bộ; mưa lớn cực đoan đe dọa sự phát triển bền vững các đô thị Việt Nam. Các trận mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn đã gây ngập úng nghiêm trọng trên nhiều tuyến phố tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Lào Cai, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, trận mưa lịch sử xảy ra tại thành phố Đà Nẵng ngày 13 - 14 tháng 10 năm 2022 với tổng lượng mưa 6 giờ tại phường Quang Thọ (Sơn Trà) là 574mm, Hòa Thuận Tây (Hải Châu) đạt 568mm. Đây được xem là trận mưa có cường độ lớn, duy trì trong thời gian ngắn chưa từng xuất hiện tại các đô thị của Việt Nam.

8. Tăng cường khung pháp lý về hoạt động bảo vệ môi trường.

Thực thi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường và các bộ ngành cũng đã ban hành các quy định chuyên ngành.

Các văn bản hướng dẫn thi hành đã hoàn thiện thêm một bước khung pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường; định chế, quy định có tính tổng thể, toàn diện, hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, phù hợp hơn xu hướng phát triển, nâng cao năng lực quản lý bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường.

9. Hoàn thành Đề án Chính phủ “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”.

Lần đầu tiên, Đề án đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, chi tiết hiện trạng nước dưới đất cũng như các nội dung về quản lý, sử dụng tài nguyên nước dưới đất ở tại 17 đô thị lớn, trọng điểm của nước ta, đồng thời xây dựng được 17 Sổ tay, 17 Atlas, 06 Hướng dẫn kỹ thuật về lĩnh vực điều tra tài nguyên nước dưới đất; đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho các đô thị lớn. Các kết quả Đề án đã tổ chức bàn giao cho 17 tỉnh, thành phố để phục vụ các hoạt động phát triển và là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ các cơ quan chuyên ngành xây dựng, ban hành các quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật lĩnh vực điều tra tài nguyên nước dưới đất; bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn giai đoạn tiếp theo đạt tính khả thi, hiệu quả.

10. Tổ chức thành công Hội nghị khoa học quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (Hội nghị ISV20) chủ đề “Bảo tồn, phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa".

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị với sự tham dự của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế; Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; các nước thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam với các quốc gia có hệ thống hang động trên thế giới; quy tụ, chia sẻ tri thức, mô hình, kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới về bảo tồn, phát huy giá trị núi lửa và hang động núi lửa; tổng quan hệ thống hang động núi lửa tại Việt Nam.

Lễ Khai mạc Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” đã được diễn ra ngày 22/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông.

Nông cũng giới thiệu thông tin kết quả quá trình khảo sát của các chuyên gia trong nước và quốc tế về phát hiện thêm một số nhánh mới có chiều dài khoảng 175m hang C7 thuộc hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Phát hiện mới này, chiều dài hang tăng lên đến hơn 1.240m và được xác định là hang động núi lửa trong đá bazan có tính độc đáo cao, có chiều dài nhất thế giới tính thời điểm hiện nay. Đồng thời, khẳng định khoa học đối với Đăk Nông có quần thể núi lửa và hang động núi lửa thuộc loại đồ sộ, đa dạng, phong phú nhất khu vực Đông Nam Á; đã xác định được 05 miệng và hàng chục nón núi lửa có thời gian hoạt động cách ngày nay chỉ từ vài trăm ngàn năm.

Bên lề khuôn khổ Hội nghị ISV20 đã diễn ra Hội thảo khoa học "15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam"; Hội nghị tổng kết công tác của Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu thuộc Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, định hướng xây dựng, phát triển thêm nhiều Công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam thời gian tới.

11. Công bố Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Báo cáo đánh giá Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào nhất thế giới. Theo ước tính, khu vực giữa Biển Đông và khu vực ven bờ Nam Trung Bộ có tổng năng lượng trực xạ và bức xạ tổng cộng khá lớn với tổng năng lượng trong khoảng 3.000 đến 5.000 Wh/m2/ngày. Với địa hình nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào ở khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. Báo cáo có ý nghĩa lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, năng lượng tái tạo gồm năng lượng gió được xem là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi lần thứ nhất được công bố vào tháng 4 năm 2022, bước đầu cung cấp các thông tin về phân bố tiềm năng năng lượng gió, sóng chi tiết tại các vùng biển của Việt Nam và trên khu vực biển Đông; tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam lần thứ hai công bố vào tháng 9 năm 2022 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các kết quả của Báo cáo lần thứ nhất, bổ sung thông tin chi tiết hơn về tiềm năng gió ngoài khơi và cung cấp thêm các thông tin về phân bố tiềm năng gió và bức xạ trên đất liền tại Việt Nam. Đây là tài liệu hữu ích để các bộ, ngành, địa phương tham khảo và sử dụng trong xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động có liên quan.

12. Việt Nam quyết liệt triển khai các cam kết tại COP26 và dấu ấn lớn tại Hội nghị COP27.

Tại COP26, Việt Nam khẳng định sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% phát thải khí mê-tan và một số cam kết khác với hỗ trợ của quốc tế và nguồn lực trong nước. Theo đó, nhiều văn bản quan trọng được ban hành như thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; hoàn thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022…

Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và là một điểm sáng tại Hội nghị COP27. Tiếp tục truyền tải thông điệp xuyên suốt “Cùng nhau hành động”, nhấn mạnh các ưu tiên cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể, giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Trong khuôn khổ Hội nghị COP27, Việt Nam đã gửi Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC cập nhật tới Liên hợp quốc và khẳng định có thể nâng tổng mức đóng góp về giảm phát thải thành 43,5% vào năm 2030 so với BAU, tương đương với 403,7 triệu tấn CO2tđ; phản ánh các hành động cụ thể cần thực hiện từ nay tới năm 2030 phù hợp với lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” và cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan; tăng cường nguồn tài chính, công nghệ và các cơ chế hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ thực hiện UNFCCC và Thỏa thuận Paris.

13. Hoàn thành Dự án “Khôi phục và hoàn thiện hệ thống độ cao quốc gia Campuchia” giai đoạn 2.

Dự án được triển khai từ năm 2016, đã thực hiện xây dựng lưới trọng lực cơ sở, hạng I, II, III và trọng lực chi tiết; lưới độ cao hạng I bổ sung và đo lưới GPS thủy chuẩn quốc gia; xây dựng mô hình Geoid độ chính xác cao cho lãnh thổ Campuchia; cung cấp chuyển giao gói thiết bị chuyên dùng và đào tạo các cán bộ kỹ thuật vận hành khai thác dự án cho các cơ quan. Tại Lễ bàn giao kết quả Dự án, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quản lý đất đai, Quy hoạch đô thị và Xây dựng Vương quốc Campuchia đánh giá cao các kết quả dự án mang lại, đáp ứng kịp thời công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia. Qua đó, góp phần quan trọng và hiệu quả công tác quản lý biên giới lãnh thổ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế; nâng tầm cao quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước theo tinh thần “Hợp tác láng giềng tốt đẹp, đoàn kết hữu nghị truyền thống, ổn định lâu dài”.

14. Công bố Quy hoạch và Báo cáo tài nguyên nước quốc gia.

Theo đó, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện lần đầu và xem xét toàn diện các nội dung trong bối cảnh các quy hoạch của các ngành có khai thác sử dụng nước đã và đang triển khai thực hiện; bảo đảm mục tiêu về an ninh nguồn nước, phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia; định hướng về quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra được xem xét tổng thể trên cơ sở tài nguyên nước theo từng vùng phát triển kinh tế - xã hội và 13 lưu vực sông lớn quan trọng trên phạm vi toàn quốc. Đánh giá hiện trạng, nhu cầu sử dụng nước của các ngành có khai thác, sử dụng nước, xu thế diễn biến tài nguyên nước, các thách thức cần giải quyết về tài nguyên nước cũng như tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến tài nguyên nước trong kỳ quy hoạch.

Năm 2022, Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021 đã được công bố, cung cấp tổng quan về hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước; công tác quản lý tài nguyên nước, các thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn ở Việt Nam cho giai đoạn 2016 - 2021. Đặc biệt, Báo cáo tính đến dự báo đến năm 2030, nhu cầu về nước cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh sẽ khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay.

15. Thành phố Đà Nẵng với nhiều hoạt động hướng đến phát triển bền vững.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng được bầu đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ (Mạng lưới PNLG) lần thứ 15. Suốt 15 năm qua, Đà Nẵng là thành viên có trách nhiệm tích cực trong việc thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ, thực hiện Hiến chương, Kế hoạch hành động của Mạng lưới. Đây là vinh dự tự hào, nâng cao vị thế, vai trò của Đà Nẵng đối với sự phát triển bền vững chung khu vực biển Đông Á, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển trong tương lai, nhất là trong bối cảnh suy thoái môi trường biển và biến đổi khí hậu đang diễn phức tạp. Mạng lưới PNLG là tổ chức cấp khu vực bao gồm tham gia của chính quyền địa phương với nỗ lực hướng tới tăng trưởng, phát triển bền vững ở khu vực Đông Á thông qua quản lý tổng hợp vùng bờ, hiện có 52 thành viên chính quyền các địa phương đến từ 10 quốc gia khu vực.

Cũng trong năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thành công Hội thảo và Triển lãm quốc tế về giải pháp công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo; hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch, tăng trưởng xanh. Duy trì hiệu quả các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường trên toàn địa bàn.

16. Thành phố Cần Thơ được vào vòng Chung kết Chương trình Thành phố xanh toàn cầu.

Năm 2022, Chương trình Thành phố Xanh toàn cầu đã thu hút sự tham gia của 208 thành phố từ hơn 50 quốc gia trên toàn cầu. Thành phố Cần Thơ của Việt Nam cùng với 74 thành phố khác trên toàn cầu đã xuất sắc lọt Vòng chung kết cho danh hiệu Thành phố Xanh toàn cầu (Global – OPCC) và được Công ước Thị trưởng toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GCoM)GCoM đánh giá cao trong hoạt động giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, là Thành phố Xanh chính thức được mời đại diện cho Việt Nam cùng với 32 quốc gia khác tiếp tục tham gia Chiến dịch Tôi yêu Thành phố (We love City).

Cần Thơ nhiều năm qua đã triển khai những bước đi quyết liệt và thông minh nhằm từng bước chuyển đổi sang các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, phát triển thành phố xanh theo hướng thuận thiên, được sự hưởng ứng của người dân cho sứ mệnh xây dựng vì một tương lai xanh và bền vững.

Các sự kiện trên của Ngành TN&MT năm 2022 đảm bảo theo đúng Quyết định số 2601/QĐ-BTNMT của Bộ. Sự kiện đảm bảo các tiêu chí như: Có tính chất tiêu biểu, điển hình, diễn ra lần đầu; Có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hoặc có ý nghĩa chính trị quan trọng; Thu hút sự quan tâm to lớn của dư luận, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và có tác động trực tiếp đến chính sách quản lý nhà nước. Các thành viên Hội đồng cũng đề xuất gom lại các sự kiện theo lĩnh vực cụ thể nêu bật được những thành tích của từng lĩnh vực trong năm 2022; xem xét viết lại tiêu đề của các sự kiện đảm lan tỏa cao tới cộng đồng dư luận.

Công tác bình xét, công bố sự kiện toàn ngành được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện hàng năm theo Quyết định số 2601/QĐ-BTNMT ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 7495/BTNMT-VP gửi các đơn vị trực thuộc Bộ; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyên truyền, tham gia bình chọn sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2022.