Đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan trên thế giới, phát triển đô thị Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, phải kết hợp nội lực với ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để phát triển.
Đô thị luôn gắn với văn minh, sáng tạo, đổi mới, cơ hội phát triển, nhưng cũng là khu vực tập trung nhiều thách thức cần giải quyết như vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, phòng chống rủi ro không báo trước.
Do đó, việc quan tâm hoạch định chính sách, các giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ thiết yếu để nắm bắt được xu thế, hóa giải được những khó khăn, thách thức để phát triển đô thị nhanh và bền vững.
Nhằm đạt hiệu quả tích cực Chương trình hành động theo Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương chủ động, tích cực thực hiện thiết thực, hiệu quả với 33 nhiệm vụ cụ thể.
Đô thị là khu vực tập trung nhiều thách thức cần giải quyết như vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, phòng chống rủi ro không báo trước.
Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp được phân chia thành 5 nhóm:
Thứ nhất, nâng cao, thống nhất nhận thức về về vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung. Theo quan điểm của Chương trình hành động, nhận thức đúng thì hành động đúng, có tư duy và phương pháp tiếp cận đúng với yêu cầu nhiệm vụ, chức năng quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Trước hết, nâng cao chất lượng công tác tư vấn quy hoạch, công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Chất lượng kiến trúc và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cần được lồng ghép hài hòa ngay từ khi nghiên cứu và trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, thiết kế, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, bảo đảm đô thị có bản sắc vùng miền, phát triển bền vững.
Thứ ba, hoạt động đầu tư phát triển, xây dựng đô thị cần dựa trên nền tảng nguồn lực được huy động đầy đủ. Trong đó, kết hợp giữa nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội, của tư nhân, nguồn lực của các nhà đầu tư và nguồn lực của hợp tác công tư.
Thứ tư, thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của một ngành, một cấp, mà đòi hỏi mà phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các cấp, ngành, giữa địa phương, giữa vùng miền để tạo ra nguồn lực.
Vì vậy các ngành, cấp cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng; phối hợp, thống nhất trong phát triển đô thị vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc.
Thứ năm, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật dựa trên kết quả rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống cơ chế chính sách hiện hành về quy hoạch và phát triển đô thị… Đặc biệt, chú trọng giải quyết các yêu cầu thực tiễn bức xúc như tắc nghẽn giao thông, ngập úng đô thị, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; vấn đề ô nhiễm môi trường trong đô thị; vấn đề phát thải nhà kính; các vấn đề thiếu hụt về hạ tầng văn hoá xã hội như: y tế, giáo dục, thể thao, cây xanh.
Trao đổi về vấn đề này, TS Đoàn Văn Lư (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), sự biến đổi khí hậu với xu hướng nóng lên trên phạm vi toàn cầu cùng với các hoạt động và nhịp sống đô thị mạnh mẽ đã và đang có ảnh hưởng đến môi trường không gian xanh đô thị, không chỉ các mảng xanh mà còn đến cả mặt nước và nguồn nước. Vì vậy, trong kiến trúc không gian xanh đô thị, cây xanh phải có cấu trúc về chủng loại có thể thích ứng và chịu được những cực đoan về biến đổi khí hậu nhằm cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống. Việt Nam là nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Vấn đề đặt ra là phải làm quy hoạch cân bằng các yếu tố thiên nhiên, đảm bảo môi trường sinh thái, từ đó xây dựng đô thị xanh, phát triển kinh tế xanh. Bài toán quy hoạch phải tích hợp đa ngành, đa mục tiêu, chú trọng yếu tố con người, cam kết của nhà quản lý, đặc biệt lợi ích của cộng đồng phải được tôn trọng. |