Là tỉnh đứng nhóm đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, đồng thời Bình Dương cũng phải tập trung giải tỏa nhiều áp lực từ gia tăng dân số cơ học hàng năm. Trong đó nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình đột phá số 27-CTr/TU ngày 20/9/2011, về phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch và đề án để triển khai thực hiện, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2020, tỉnh Bình Dương đã kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho trên khoảng 191.000 người. Cụ thể: Giai đoạn 2011-2015, có 23 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích đất 32,6ha, tổng diện tích sàn là gần 432.000m2, với gần 9.200 căn, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích sàn gần 267.000m2, đáp ứng cho khoảng 47.000 người.
Giai đoạn 2016-2020, có 17 dự án và 1 Đề án nhà ở xã hội được đầu tư với diện tích đất khoảng 132ha, khoảng 26.600 căn, đáp ứng nhu cầu cho hơn 106.000 người.
Thảo luận tại tổ, đại diện các ngân hàng thương mại Nhà nước tại tỉnh Bình Dương cho rằng: Quy định người mua nhà ở xã hội phải có vốn đối ứng 20% là không khả thi, vì đối tượng mua nhà ở xã hội thuộc nhóm thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn. Quy định người mua nhà ở xã hội không được bán nhà trong 5 năm đầu là không phù hợp thực tế vì người lao động, đối tượng mua nhà ở xã hội thường biến động việc làm, thường bị di dời nơi ở, nơi làm việc. Để hoàn thành mục tiêu đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cần tăng tính thanh khoản của nhà ở xã hội, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, hoàn thành đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành kiến nghị: Bộ Xây dựng cần ban hành quy trình mẫu, đơn giản hóa thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán nhà ở xã hội để nhà đầu tư, người dân dễ dàng tiếp cận..
Có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn nữa với nhà đầu tư nhà ở xã hội, tăng mức lợi nhuận, hỗ trợ hơn nữa về vốn, lãi suất, thuế VAT… để khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn cùng chính quyền xây dựng thành công đề án. Cho phép các doanh nghiệp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Đặc biệt, không bố trí đan xen quỹ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại mà quy định đối tượng, quy mô phải nộp một quỹ nhà ở xã hội bằng tiền và cho phép UBND các địa phương bố trí quỹ đất tương ứng, đảm bảo nhà ở xã hội trong khu vực, góp phần đảm bảo đảm quy hoạch, chăm lo tốt hơn cho đối tượng hưởng chính sách.
Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công giai đoạn 2021-2030. Trong đó giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Dương được giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn.
Ông Nguyễn Văn Dành cho biết: Căn cứ dự kiến tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, dự báo xu hướng tăng dân số cơ học, tốc độ hóa tỉnh Bình Dương. UBND tỉnh đã chỉ đạo lập đề án triển khai thực hiện, trong đó phấn đấu cả giai đoạn 2021-2030 dự kiến đầu tư hơn 174.000 căn nhà ở xã hội (169.000 căn chung cư và 5.200 nhà liền kề, trong đó số căn cho thuê khoảng 34.900 căn). Tổng diện tích đất 655,1ha, diện tích sàn xây dựng ước đạt khoảng 9.644.000m2 đáp ứng khoảng hơn 678.300 dân với tổng mức đầu tư khoảng 86.408 tỷ đồng.