Thành Phong ·
35 tuần trước
 7898

Bộ Công Thương: Cần làm rõ khung giá phát điện tái tạo

Bộ Công thương cho biết, khung giá phát điện được tính toán trên cơ sở phương pháp tính toán tương tự các loại hình nhà máy điện khác hiện hành.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Thông tư khung giá phát điện nhà máy điện Mặt Trời, điện gió.

Theo đó, khung giá phát điện được tính toán trên cơ sở phương pháp tính toán tương tự các loại hình nhà máy điện khác hiện nay, thông số đầu vào tính toán với đời sống kinh tế của nhà máy điện Mặt Trời, điện gió là 20 năm, các thông số liên quan đến suất đầu tư, thông số tài chính, kỹ thuật, chi phí vận hành, bảo dưỡng được lựa chọn trên cơ sở tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn để đảm bảo tính phổ quát, cập nhật được số liệu trên thế giới thay vì sử dụng số liệu quá khứ của các nhà máy điện.

Căn cứ Quy hoạch điện VIII về việc khuyến khích, ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời tại miền Bắc, dự thảo Thông tư đã quy định khung giá phát điện sẽ được xác định theo từng miền, khác với quy định khung giá hiện hành.

Ngoài ra, khung giá được ban hàng năm làm cơ sở cho chủ đầu tư các dự án nhà máy điện Mặt Trời, điện gió thỏa thuận giá điện, ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo giá điện không vượt quá khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, trước ngày 1/11 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán hoặc thuê tư vấn tính toán khung giá; Bộ Công Thương phê duyệt khung giá hàng năm trên cơ sở thẩm định của Cục Điều tiết điện lực và ý kiến của Hội đồng tư vấn do Bộ Công Thương thành lập trong trường hợp cần thiết.

Khung giá phát điện trong năm cơ sở (năm chủ đầu tư phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án) là căn cứ để EVN và chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất giá điện để ký hợp đồng mua bán điện và hai bên không phải đàm phán, ký lại theo khung giá phát điện của năm tiếp theo.

Về đối tượng áp dụng, khung giá phát điện quy định tại dự thảo Thông tư được áp dụng cho các dự án điện Mặt Trời, điện gió chưa ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN. Cụ thể, các dự án điện Mặt Trời, điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN theo giá FIT tiếp tục thực hiện theo các quy định tại hợp đồng đã ký.

Đối với các dự án nhà máy điện Mặt Trời, điện gió chuyển tiếp (các dự án đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện ưu đãi FIT) được quy định cụ thể tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Mới có 20/58 dự án được phê duyệt giá tạm thời

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với việc đàm phán giá điện các dự án điện mặt trời, điện gió.

Theo Bộ Công Thương, Bộ đã hướng dẫn, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện quy định để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Xác định việc đàm phán giá chính thức giữa EVN và chủ đầu tư của 85 dự án chuyển tiếp sẽ mất thời gian, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN đàm phán giá điện tạm thời với chủ đầu tư và cho vận hành phát điện lên lưới điện khi đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định và thực hiện thanh quyết toán theo giá chính thức.

Theo đó, tính đến hết ngày 25/8/2023, có 79/85 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW (chiếm 94%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Còn 6/85 dự án với tổng công suất 284,70 MW (chiếm 6%) chưa gửi hồ sơ đàm phán với EVN mặc dù đã đôn đốc nhiều lần. Có 29/85 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo của EVN, nhiều dự án chuyển tiếp chưa có văn bản gia hạn/giãn tiến độ thực hiện, đưa vào hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh (quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư) và chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, các yêu cầu khác về đầu tư xây dựng.

Các quy định này là những điều kiện để hợp đồng mua bán điện sửa đổi, bổ sung về việc áp dụng giá điện tạm thời giữa EVN và các dự án chuyển tiếp có hiệu lực. Vì vậy, đến nay, mới có 20/58 dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm được công nhận ngày vận hành thương mại.

Bộ Công Thương khẳng định, khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp đã được EVN tính toán và Bộ Công Thương thẩm định, ban hành tại Quyết định số 21/QĐ-BCT nêu trên là đúng phương pháp tại Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, có tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn, phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để rà soát các nội dung về khung giá cho các dự án chuyển tiếp và kịp thời chỉnh sửa, bổ sung nếu phát hiện có nội dung vướng mắc, bất cập.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6826257207433977