Ngọc Lan ·
25 tuần trước
 9913

Bộ Công Thương “chốt” khung giá điện khí, cao nhất gần 2.600 đồng/kWh

Từ ngày 27/5, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG năm 2024 áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện từ 0-2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký quyết định phê duyệt giá phát điện nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG) năm 2024 (điện khí).

Theo Bộ Công Thương, khung giá điện khí căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Thông tư số 57/2014.

Cụ thể, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG năm 2024 là từ 0 - 2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Trong đó, mức giá trần là 2.590,85 đồng/kWh.

Ảnh minh hoạ.

Theo Bộ Công Thương, các thông số sử dụng tính toán mức giá trần này bao gồm: công suất tinh 1.579.125 kW; suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85% (6.330,2 BTU/kWh); giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa) là 12,9792 USD/triệu BTU. Tỷ giá để tính toán áp dụng ở mức 24.520 đồng/USD.

“Căn cứ vào khung giá phát điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện sẽ đàm phán giá mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về phương pháp xác định giá phát điện”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phải phát triển 30.424 MW điện khí; trong đó, khí tự nhiên trong nước là 7.900 MW, được thực hiện từ 10 dự án đã được duyệt trong quy hoạch; 13 dự án khí hóa lỏng với công suất 22.524 MW sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Cách đây ít ngày, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các địa phương và chủ đầu tư có dự án nhiệt điện khí. Thông tin tại cuộc họp cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Phần lớn các dự án gặp các vướng mắc trong đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương chậm.

Đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

Cùng đó, các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư như Hải Lăng giai đoạn 1, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện nghiên cứu khả thi (FS) theo ý kiến thẩm định của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để trình lại Bộ Công Thương thẩm định. Dự án LNG Bạc Liêu, Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn 2 chưa hoàn thành công tác đàm phán PPA; Dự án Long An I và II chưa hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt FS; 2 dự án BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II: các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện FS theo quy định để đủ điều kiện phê duyệt.