Bích Ngọc ·
20 tuần trước
 9136

Các lãnh đạo Vietnam Airlines nhận lương bao nhiêu khi tình hình kinh doanh liên tục thua lỗ?

Năm ngoái, để trả lương cho Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và Ban kiểm soát, Vietnam Airlines đã chi hơn 11 tỷ 500 triệu đồng.

Nhìn vào Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2022 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, MCK: HVN) cho thấy, năm 2022, Vietnam Airlines đã dành ra hơn 11 tỷ 500 triệu đồng để trả lương cho Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và thành viên Ban kiểm soát.

Theo đó, chi 3 tỷ 659 triệu đồng tiền lương cho hội đồng quản trị, chi cho ban giám đốc là 6 tỷ 258 triệu đồng và Ban kiểm soát là 1 tỷ 664 triệu đồng.

Tại Vietnam Airlines, người nhận lương cao nhất là ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT, với mức thù lao 1 tỷ 189 triệu đồng/năm (tương đương 99 triệu đồng/tháng), tăng gần 200 triệu đồng so với năm trước.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tiếp đó, ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc là người nhận lương cao thứ hai tại Vietnam Airlines, với mức thù lao 1 tỷ 183 triệu đồng/năm (tương đương 93,5 triệu đồng/tháng), tăng gần 200 triệu đồng so với năm 2021.

Nhiều các thành viên khác trong HĐQT, Ban giám đốc Vietnam Airlines cũng nhận lương từ hơn 600 triệu đến 950 triệu đồng/năm (tương đương từ khoảng hơn 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng/tháng).

Năm 2022, tiền lương bình quân của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát vietnam Airlines là 609 triệu đồng/người/năm (tương đương với hơn 50 triệu đồng/người/tháng).

Nhìn chung tổng thu nhập của các lãnh đạo ở HĐQT, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát năm 2022 đều tăng so với năm 2021.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines cũng đã dành gần 8,6 tỷ đồng để trả lương và thù lao cho dàn lãnh đạo doanh nghiệp (tăng mạnh so với con số chỉ gần 6,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Vietnam Airlines, trong 6 tháng đầu năm, Tổng giám đốc Lê Hồng Hà nhận mức tiền lương, thù lao cao nhất nhóm Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) và Ban Điều hành (BĐH) với 561 triệu đồng (tương đương 93,5 triệu đồng/tháng).

Trong khi đó, nhận lương, thù lao cao thứ hai với 510 triệu đồng là Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Ngọc Hòa (tương đương gần 85 triệu đồng/tháng). Con số này tăng gần 100 triệu đồng so với 6 tháng năm 2022.

Nhiều lãnh đạo Vietnam Airlines như các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng nhận được tiền lương và thù lao xấp xỉ 450 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm (tương đương khoảng 75 triệu đồng/tháng). Trong đó, ông Lê Trường Giang, ông Tạ Mạnh Hùng - Thành viên HĐQT và bà Nguyễn Thị Thiên Kim - Trưởng BKS nhận lương, thù lao ở mức 408 triệu đồng/6 tháng.

Hãng hàng không quốc gia cho biết tiền lương bình quân của HĐQT, BKS, BĐH 6 tháng năm 2023 là 72,8 triệu đồng/người/tháng, trong khi thù lao bình quân của dàn lãnh đạo doanh nghiệp là 12 triệu đồng/người/tháng.

Ngày 16/12 tới, Vietnam Airlines dự kiến tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Trong năm 2022, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 70.793 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2021). Tuy vậy, giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu khiến hãng bay lỗ gộp 2.876 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng (giảm lỗ hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021). Tổng lỗ lũy kế của hãng bay lúc này là 35.072 tỷ đồng.

Vào tháng 2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã đưa ra cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm.

Trên sàn HOSE, cổ phiếu HVN nằm trong diện hạn chế giao dịch, gần đây tiếp tục trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, đơn vị kiểm toán lưu ý tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn là 15.396 tỷ đồng.

Kiểm toán nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

Báo cáo kiểm toán của Deloitte cho hay, những điều kiện này cho thấy sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7180037345389293/?