Bích Ngọc ·
18 tuần trước
 9833

Các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi lãi suất liên ngân hàng vượt 5%?

Chuyên gia phân tích cho rằng, sự phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng có thể dẫn đến việc một số nhà băng dễ bị rủi ro thanh khoản nếu có sự thay đổi đột ngột trong điều kiện thị trường, nhất là gần đây lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng.

Trước áp lực tỷ giá tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiềm chế chẳng hạn như phát hành tín phiếu, bán vàng và bán ngoại tệ dẫn đến thanh khoản hệ thống bị co hẹp.

Tính tới ngày 24/5, cơ quan này đã bán ra tổng cộng 48.500 lượng vàng SJC và lượng lớn USD để bình ổn thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Hoạt động bán vàng và ngoại tệ can thiệp của NHNN, đi cùng động thái tăng lãi suất OMO lên mức 4,5%/năm và tiếp tục duy trì kênh phát hành tín phiếu, làm cho lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vượt mức 5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. 

Tại báo cáo mới đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cảnh báo một số nhà băng đang phụ thuộc lớn vào nguồn vốn liên ngân hàng và dễ gặp rủi ro thanh khoản nếu có sự thay đổi đột ngột về điều kiện thị trường.

Yuanta liệt kê danh sách những ngân hàng phụ thuộc đáng kể vào vốn liên ngân hàng (chiếm hơn 20% tổng nợ phải trả) gồm: ABBank, VPBank, Techcombank, KienlongBank, SeABank, VIB, PGBank, TPBank, MSB.

Yuanta cho biết, trong điều kiện lãi suất thấp, việc huy động liên ngân hàng giúp giảm chi phí. Tuy vậy, việc này cũng dẫn đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng trên ở mức cao hơn những nhà băng còn lại.

Các chuyên viên phân tích cho rằng sự phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng có thể làm cho các ngân hàng dễ bị rủi ro thanh khoản nếu có sự thay đổi đột ngột trong điều kiện thị trường, nhất là trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất liên ngân hàng gần đây.

Bên cạnh đó, Yuanta cho biết tăng trưởng tiền gửi toàn ngành trong quý đầu năm chủ yếu được đóng góp bởi nhóm ngân hàng tư nhân lớn và vừa. Một số ngân hàng TMCP ghi nhận sự sụt giảm huy động (gồm cả tiền gửi của khách hàng và giấy tờ có giá) là MB (-4,7%), SHB (-2,1%), TPBank (-4,2%), OCB (-2,8%) và VIB (-1,2%).

Tương tự, nhóm ngân hàng TMCP nhà nước cũng có mức tăng trưởng huy động thấp hoặc âm, chẳng hạn như Vietcombank giảm 2,7%, VietinBank chỉ tăng 0,2% còn BIDV tăng 1,1%.

Yuanta kỳ vọng trong thời gian tới các nhà băng đã tăng lãi suất tiền gửi để thu hút thêm vốn và có thể chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng cao hơn. Các chuyên viên phân tích cho rằng với việc lãi suất tăng, những nhà băng có tăng trưởng tiền gửi thấp hoặc âm trong quý I/2024 có thể phải huy động tiền gửi với chi phí cao hơn trong thời gian tới, tác động tiêu cực đến biên lãi gộp (NIM) của toàn ngành. Đặc biệt là các nhà băng có lượng tiền gửi CASA thấp và huy động nhiều tiền gửi liên ngân hàng, giấy tờ có giá và các loại khác sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Tại sao Ngân hàng Nhà nước chưa thể bỏ 'room' tín dụng?

Ngân hàng Nhà nước chưa bỏ cơ chế "room" tín dụng hàng năm do lo ngại hệ thống có thể quay lại cuộc đua tăng lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu cao như trước năm 2011.

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ năm nay đã bỏ "room" tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, cơ quan này rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này, tuy vậy còn một số khó khăn.

"Room" tín dụng là hạn mức về chỉ tiêu tăng trưởng vốn, được Ngân hàng Nhà nước phân bổ tới từng ngân hàng. Hạn mức này được nhà điều hành tính toán dựa trên các yếu tố đầu vào, gồm dư nợ tín dụng, điểm xếp hạng, các khoản bán dư nợ tín dụng...

Ngân hàng Nhà nước cho hay, khó khăn lớn nhất là đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng. Đến nay đặc thù này vẫn chưa thay đổi. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản.

Cơ quan này cũng lo ngại điều này tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và rủi ro bất ổn vĩ mô, lạm phát.

Vì thế, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là cần thiết, việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình và từng bước thực hiện phù hợp điều kiện thị trường.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7872469239479430