Bích Ngọc ·
7 tuần trước
 9973

Lãi suất liên ngân hàng ra sao sau động thái của NHNN?

Trong 4 phiên liên tiếp (từ ngày 11/3 đến 14/3/2024), sau 4 tháng ngưng phát hành Ngân hàng Nhà Nước đã phát hành lại tín phiếu với tổng khối lượng 60.000 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày và mức lãi suất 1,4%.

Báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán BIDV (BSC) đã thống kê giao dịch hút tiền qua Tín phiếu giai đoạn 2018 – 2023 và đánh giá hoạt động phát hành tín phiếu là nghiệp vụ bình thường, cơ bản của NHTW, chủ yếu mục tiêu là ổn định tỷ giá. 

Tại nước ta, trong giai đoạn 2018 – 2023, NHNN đã thực hiện nghiệp vụ này đều đặn nhiều lần, hút ròng trung bình khoảng 9,4 lần/năm, trong đó giá trị hút ròng trung bình/chu kỳ đạt 47.647 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

BSC cho biết, NHNN chủ yếu hút ròng với tổng khối lượng rút ròng/mỗi chu kỳ thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Khi giá trị hút ròng từ 50.000 tỷ tới dưới 100.000 tỷ đồng, chỉ số VN-Index có xác suất giảm trong chu kỳ hút là 33,33%, có nghĩa là xác suất tăng nhiều hơn. Khi giá trị hút ròng lớn hơn 100.000 tỷ, xác suất VN-Index giảm trong chu kỳ hút là 66,67%, cao hơn đáng kể.

Trong giai đoạn tháng 10 năm 2023, NHNN phát hành tín phiếu trở lại từ 21/9 - 8/11/2023 và hút ròng 194.650 tỷ đồng. Kéo theo đó, tỷ giá giảm, tiếp tục duy trì đà đi xuống đến cuối tháng 11. Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng mạnh phản ứng với động thái hút tiền tuy nhiên cũng nhanh chóng giảm trở lại.

Trong giai đoạn này, VN-Index có thời điểm giảm đến hơn 15%, trong đó các nhóm ngành biến động mạnh nhất gồm: bán lẻ, dịch vụ tài chính (chứng khoán), bất động sản, hóa chất…

Theo BSC, lượng hút ròng thấp thì TTCK tăng giảm không rõ ràng, cho thấy thông tin này không có ảnh hưởng trọng yếu. Hoạt động hút ròng tín phiếu là một hoạt động nghiệp vụ, công cụ điều tiết, không có hàm ý đảo chiều chính sách.

Nhà đầu tư được BSC khuyến nghị không nên quá lo ngại, nên theo dõi và cần có những đánh giá một cách khách quan các thông tin trên thị trường để có những chiến lược đầu tư phù hợp. Các chỉ số cần lưu ý trong bối cảnh hiện tại bao gồm tỷ giá (tỷ giá tự do), DXY; quy mô hút ròng - lãi suất phát hành cùng với lãi suất liên ngân hàng qua đêm; các ngành biến động giảm điểm mạnh trong quá khứ làm chỉ báo cho mức độ ảnh hưởng tới TTCK.

Tại một báo cáo của Dragon Capital trước đó cũng nhấn mạnh việc phát hành tín phiếu là động thái điều hành cần thiết trong việc hạ nhiệt tỷ giá, không mang ý nghĩa của sự thay đổi chính sách tiền tệ.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP FIDT cho hay, động thái của NHNN có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu sắp tới hành động hút diễn ra liên tục.

Giai đoạn gần đây, lượng thanh khoản TTCK duy trì mức trên 23.000 tỷ/phiên nhờ vào 1 phần lượng thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính và lãi suất rẻ kỷ lục chảy trong nền kinh tế.

Ông Huỳnh Minh Tuấn cũng nói thêm, việc thắt chặt lượng vốn dư thừa trên liên ngân hàng, có thể quan ngại lượng cầu mua của TTCK sẽ giảm phần nào đó, do các giảm rủi ro về thanh khoản ngắn hạn và tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Tuấn kỳ vọng việc phát hành tín phiếu của NHNN không gây ảnh hưởng tới cấu trúc lãi suất tiền gửi - cho vay của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn quý 2, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7536341356425555/?