Bích Ngọc ·
1 năm trước
 3293

Các ngân hàng thống nhất giảm thêm lãi suất huy động

Được biết, rất có thể từ tuần tới, một số ngân hàng dẫn đầu là nhóm Big 4, sẽ bắt đầu giảm lãi suất huy động.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tại Hội nghị tín dụng bất động sản sáng nay (8/2), một trong những kiến nghị được nhiều doanh nghiệp đưa ra nhất là giảm lãi suất cho vay.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết,  các ngân hàng thương mại thời gian qua có vốn nhà nước không bao giờ nâng lãi suất huy động “kịch khung” để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Theo ông, các ngân hàng trong thời gian tới sẽ giảm thêm lãi suất huy động.

Ông Tùng cho biết, trước khi Hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã thống nhất với nhau sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của NHNN, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.

Được biết, một số ngân hàng TMCP lớn đang có kế hoạch giảm thêm lãi suất huy động từ tuần sau (dự kiến từ 13/2). Trong đó, lãi suất huy động tối đa sẽ giảm về 8,5%/năm với tổ chức và 8,7%/năm với cá nhân, thay vì mức 9,5%/năm như hiện nay.

Về lãi suất, NHNN khẳng định luôn chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, NHNN chưa thể khẳng định sẽ cố gắng kiểm soát lãi suất và lạm phát.

Về tín dụng bất động sản, các ngân hàng thương mại đều khẳng định năm qua đều tăng trưởng mạnh tín dụng bất động sản với mức tăng 17-20%. Thế nhưng, để cân đối rủi ro và lợi nhuận, các ngân hàng thương mại tăng tín dụng vào lĩnh vực này một cách chọn lọc, ưu tiên người vay mua nhà thay vì cho vay với doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cho vay bất động sản của Vietcombank năm 2022 chiếm 20% tổng dư nợ, mức tăng trưởng 17,5%. Hầu hết Vietcombank đều đáp ứng các dự án tốt và cá nhân mua nhà để sử dụng đúng mục đích.

Tuy nhiên, Vietcombank cũng phân loại rất rõ đối tượng khi cho vay bất động sản. Hiện tại, dư nợ cho vay bất động sản tại Vietcombank có tới 90% dành cho cá nhân, doanh nghiệp chỉ chiếm 10%.

Đối với doanh nghiệp, Vietcombank ưu tiên cho lĩnh vực khu công nghiệp, khu chế xuất, mức tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực này năm 2022 cao gấp 4 lần năm 2021. Đây là lĩnh vực có tính lan tỏa cao, góp phần thu hút vốn FDI. Các lĩnh vực khác như: bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, văn phòng cho thuê… ngân hàng cho vay một cách chọn lọc. Với lĩnh vực nhà ở, đất ở, Vietcombank cũng lựa chọn các chủ đầu tư uy tín, chủ yếu là cho vay cá nhân mua nhà.

Theo Tổng giám đốc Vietcombank, hiện nay so với thu nhập thực tế của người dân thì giá nhà ở Việt Nam đang cao hơn nhiều, dẫn tới khó khăn trong nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân, đây là cũng lý do khiến các ngân hàng phải thẩm định thận trọng.

Bên cạnh đó, Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV cũng khẳng định, tín dụng bất động sản của BIDV năm 2022 tăng tới 20%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân chung của ngân hàng, tập trung vào phân khúc cá nhân. Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Lâm cho biết sẽ làm việc với từng doanh nghiệp cụ thể để nắm bắt nhu cầu.

Tiếp đó, đại diện Techcombank cũng cho biết, một trong những trọng tâm chiến lược phát triển mảng bán lẻ của Techcombank là bất động sản. Techcombank đã đi cùng tài trợ, hỗ trợ cho một số chủ đầu tư lớn và uy tín trên thị trường và được người dân quan tâm để kiểm soát dòng tiền.

Tại Techcombank, dư nợ tín dụng bất động sản cũng tập trung vào khách hàng cá nhân. Với doanh nghiệp và chủ đầu tư, chủ trương của Techcombank năm 2022 là giữ ổn định, tập trung hỗ trợ cho những dự án có sản phẩm tốt, để triển khai và giao nhà cho người mua nhà. Nên dư nợ 2022 so với 2021 giảm khoảng 10%.

Theo đại diện của Techcombank, trong 2022 đảm bảo chặt chẽ, nên xem xét thận trọng, tài trợ cho các dự án có pháp lý đầy đủ, cho khách hàng quan tâm nên số lượng dự án và đầu tư giảm xuống. 

Bên cạnh đó, việc cung ứng vốn của ngân hàng tùy thuộc vào tình hình huy động vốn, thu xếp vốn của ngân hàng và lãi suất. Năm 2022, lãi suất tăng cao, người mua nhà thận trọng hơn, tốc độ bán hàng của chủ đầu tư chậm lại, chỉ bán được bằng 50% năm trước. Trong đó, dư nợ đến hạn của khách hàng cá nhân trả trước hạn là 33%, khả năng phát hành trái phiếu chậm lại ngân hàng gặp nhiều áp lực và phải tập trung vốn cho nhu cầu ngắn hạn.

Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, thời gian qua thị trường bất động sản bộc lộ nhiều vấn đề như mất cân đối về cấu trúc phân khúc, thiếu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, và còn nhiều vướng mắc pháp lý… Vì vậy, phải xử lý tận gốc rễ các vấn đề này thì tín dụng bất động sản mới có thể khai thông.