Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) đã có thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền.
Theo đó, ngày 12/12/2023 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản. VIB dự kiến thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 6%. Ước tính số tiền chia cổ tức là hơn 1.500 tỷ đồng.
VIB trước đó là ngân hàng đầu tiên thực hiện chia cổ tức tiền mặt trong năm 2023. Vào đầu năm, ngân hàng này đã bỏ ra gần 2.108 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 5% cho cổ đông vào ngày 3/3. Sau đó đến ngày 5/5, VIB tiếp tục trả cổ tức tiền mặt năm 2022 đợt 2 với tỷ lệ 10%. Có thể thấy tổng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2022 mà VIB thực hiện lên đến 15%.
Trong năm 2023, VIB cũng đã hoàn tất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% để nâng vốn điều lệ thêm 4.215 tỷ đồng (lên mức 25.292 tỷ).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, lãnh đạo VIB cho hay, năm 2024, nếu không có sự giới hạn của Ngân hàng Nhà nước thì VIB có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Được biết, VPBank mới đây cũng đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt trong hơn 10 năm qua. Lãnh đạo ngân hàng này cho hay sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Theo dự định, các đợt chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo sẽ được ngân hàng thực hiện sớm hơn trong nửa đầu năm, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông đối với kế hoạch phân chia lợi nhuận của ngân hàng.
Tại Đại hội đồng cổ đông tháng 4 vừa qua, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank khẳng định, ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng cao và dành đủ 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền cho cổ đông.
Trong suốt 10 năm qua, Techcombank đã không chia cổ tức bằng tiền mặt, tuy nhiên, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2023 hồi tháng 4/2023, Chủ tịch Techcombank đã đề cập đến việc "có thể sẽ có thay đổi".
Cũng tại ĐHCĐ, Chủ tịch Techcombank đã nói Ngân hàng trong 10 năm tới sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2023 đã là năm thứ 10 và ông cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Mọi việc đều có thể xảy ra nhưng Ngân hàng sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông và cũng phải đảm bảo hoạt động của ngân hàng.
Mới đây, ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, 10 năm trước, ngân hàng quyết định không trả cổ tức để giữ lại nguồn vốn phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến hiện tại, vị thế và năng lực của Techcombank đã rất khác, so với 10 năm trước lớn mạnh hơn nhiều. Techcombank đang xây dựng cơ chế và chính sách dài hạn liên quan đến chia cổ tức cho cổ đông, ngân hàng đang cân nhắc các lựa chọn và sẽ trình Hội đồng Quản trị phê duyệt.
TPBank vào hồi tháng 4 đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25% (tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu). Trong Đại hội cổ đông vừa qua, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch TPBank nhấn mạnh, nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, trong các năm tới ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu. Tỷ lệ chia cổ tức sẽ được HĐQT cân nhắc theo từng thời điểm, tuy nhiên phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.
Năm 2023, đã có 6 nhà băng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt gồm: VPBank, HDBank, VIB, TPBank, ACB và MB. Theo ước tính, tổng số tiền mà các nhà băng này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng
Việc chia cổ tức bằng tiền mặt là thông tin vui cho các cổ đông, đồng thời cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo về nền tảng vốn cũng như dòng tiền của ngân hàng.
Cũng cần lưu ý, số tiền cổ tức của cổ đông sẽ phải chịu thuế thu nhập theo quy định của pháp luật, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7143018362424525/?