Dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2022
Mới đây, CTCP Yeah1 (Mã YEG) đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 dự kiến được tổ chức trong ngày 2/6/2023 tới đây tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, công ty đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu ở mức 425 tỷ đồng, so với thực hiện trong năm 2022 tăng 35,3%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 30 tỷ đồng, so với thực hiện năm ngoái tăng 20,53%.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Yeah1 có định hướng kinh doanh trong năm 2023 là hoàn tất việc tái cơ cấu các mảng kinh doanh chính thống, phát triển mảng truyền hình, sản xuất các chương trình chất lượng cao và phát triển đa kênh.
Về phương án chia cổ tức, năm 2022 Yeah1 có doanh thu chỉ đạt 314 tỷ đồng, so với năm 2021 giảm tới 3 lần (lợi nhuận mang về đạt 25 tỷ đồng). Tuy kinh doanh có lãi nhưng Yeah1 vẫn quyết định giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức năm 2022.
Được biết, quy mô doanh thu ngày càng thu hẹp (giảm từ vài trăm tỷ đồng mỗi quý xuống chỉ còn vài chục tỷ đồng).
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của Yeah1 cho thấy, trong quý 1 năm 2023, Yeah1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 61 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp mang về đạt 28 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp đạt gần 46%.
Ngoài ra, các chi phí đáng chú ý trong kỳ có thể kể đến như chi phí bán hàng được giảm (từ 10 tỷ đồng xuống chỉ còn 3 tỷ đồng). Tuy vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp lại đội lên gần gấp đôi (từ 13 tỷ đồng lên 24 tỷ đồng).
Sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn 4 tỷ đồng.
Về doanh thu của Yeah1, có thể nhận thấy rằng trong những năm gần đây quy mô doanh thu của công ty đang liên tục sụt giảm. Tính từ quý 1 năm 2022, doanh thu hàng quý của công ty đã giảm (từ quy mô hàng trăm tỷ đồng xuống chỉ còn vài chục tỷ đồng). Kể từ quý 1 năm 2021 trở về đây, Quy mô lợi nhuận cũng theo đó sụt giảm mạnh.
Một phần lớn tài sản nằm "trên giấy"
Về cơ cấu tài sản của Yeah1, tính đến hết quý 1 năm nay, tổng tài sản của công ty đạt 1.462 tỷ đồng (tăng khoảng 18%). Phần tăng thêm chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn với khoản đầu tư vào công ty liên kết (tăng từ 132 tỷ đồng lên 365 tỷ đồng). Tuy vậy, trong thuyết minh BCTC của mình Yeah1 cũng chưa xác định được giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này vì các công ty liên kết mà Yeah1 đầu tư chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Một điều cần lưu ý đó là hiện các khoản phải thu ngắn hạn của công ty đang chiếm tới 423 tỷ đồng với 128 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn từ khách hàng. Các khoản phải thu dài hạn chiếm đến 475 tỷ đồng. Như vậy, tổng các khoản phải thu của Yeah1 đã chiếm tới gần 900 tỷ đồng (tương đương với 61,4% tổng tài sản của công ty). Có thể thấy, một phần lớn tài sản của công ty vẫn còn đang nằm "trên giấy".
Về cơ cấu nguồn vốn, trong quý 1 Yeah1 có sự gia tăng lớn về nợ phải trả (tăng từ 334 tỷ đồng lên 551 tỷ đồng). Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng mạnh từ 94 tỷ đồng lên 335 tỷ đồng, tương ứng gia tăng tới 3,6 lần chỉ trong 3 tháng đầu năm. Khoản vay tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ghi nhận tăng mạnh nhất (từ 77 tỷ đồng lên tới 259 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, dòng tiền của Yeah1 cũng vẫn đang tiếp tục gặp vấn đề khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đang âm tới 58 tỷ đồng. Dù so với cùng kỳ âm 159 tỷ đồng đã giảm nhưng đây vẫn là vấn đề đối với hoạt động kinh doanh của công ty bởi nó cho thấy công ty đang thu không đủ bù chi.