Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1437

Cần nâng cao ý thức bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường

Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí hàng đầu trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống và hệ sinh thái.

Để phát triển đất nước theo hướng bền vững, những năm tiếp theo, ngành môi trường cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Tăng cường thu gom, xử lý tái chế chất thải rắn. (Ảnh: Nguồn Internet)

Mặc dù hoạt động kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại đã được thực hiện chặt chẽ, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được tăng cường, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, ngành môi trường ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế bao gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nhận thức chưa chuyển thành hành động

Theo báo cáo Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường của Bộ Công an, những năm qua, tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, sức ép của sự phát triển kinh tế-xã hội, cùng với tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đã làm cho chất lượng môi trường tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn tài nguyên bị suy giảm nghiêm trọng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, hình thành một số điểm nóng về an ninh trật tự.

Hiện trường vụ san lấp trái phép. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Một số tình hình nổi lên là vi phạm về quản lý, xử lý chất thải rắn nguy hại, nước thải, hóa chất ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, làng nghề diễn ra phổ biến làm cho nguồn nước ở nhiều nơi bị ô nhiễm, dần khan hiếm và có nguy cơ mất an ninh, an toàn; môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại: tình trạng nhậu khẩu trái phép rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại, phế liệu chưa được làm sạch vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Mỗi năm có hàng trăm nghìn tấn rác thải, phế liệu được nhập khẩu vào nước ta như nhựa phế liệu, sắt phế liệu, thiết bị máy tính cũ, ắc quy chì cũ... Có dấu hiệu hình thành các băng, ổ nhóm, đường dây vận chuyển, kinh doanh rác.

Bên cạnh đó, số lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, lĩnh vực y tế, từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu... rất lớn (tính riêng lượng chất thải nguy hại từ các làng nghề trên toàn quốc ước đạt trên 2.800 tấn/ngày) nhưng chưa được xử lý đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, tình trạng hủy hoại rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản, chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái pháp luật, săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý, hiếm làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên, một số loài dần cạn kiệt, nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng.

Cần đổi mới, nâng cao hiệu quả các công cụ quản lý môi trường

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường tại Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cho thấy trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường.

Được biết, trong giai đoạn 2016-2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đơn giản hóa về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy việc ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đã bãi bỏ 26 thủ tục hành chính về môi trường; Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP tiếp tục cắt giảm 18 thủ tục hành chính về moi trường so với Luật Bảo vệ môi trường 2014 (tương đương giảm 34%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ đề ra trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20%).

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP26.

Ngoài ra, ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường liên tục được tăng cường, mở rộng; đã hình thành được phương thức, tư duy quản lý mới, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm.

Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện.

Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2022, định hướng giai đoạn 2022-2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định, ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Tình trạng bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu.